Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nằm ở độ cao gần 1.400m, được ví như Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đây là nơi sinh sống của đồng bào 4 dân tộc Mông, Kinh, Dao, Tày, trong đó người Mông chiếm trên 90%, còn lại các dân tộc khác.
Suối Giàng còn nổi tiếng bởi có bạt ngàn những gốc chè Shan Tuyết cổ thụ trăm năm tuổi.
Trước đây, cây chè Shan Tuyết được trồng để giữ đất, giữ nước, chống xói mòn. Ngày nay, chè Shan Tuyết đã trở thành sản phẩm có giá trị, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở Suối Giàng.
Theo người dân địa phương, ở mặt lưng của lá chè có một lớp lông măng phủ trắng như tuyết. Do đó đồng bào gọi chè này là chè Shan Tuyết.
Chè mọc tự nhiên trên vùng núi cao, búp và lá chè to, có màu xanh đậm. Nước chè vàng, sóng sánh như mật ong rừng, sau khi uống vị ngọt, lưu hương lâu nơi cổ họng.
Theo tìm hiểu, toàn huyện Văn Chấn có trên 1.500ha chè Shan Tuyết, trong đó, xã Suối Giàng chiếm hơn 500ha.
Suối Giàng hiện có quần thể hơn 40.000 cây chè Shan Tuyết cổ thụ có tuổi đời từ trên 100 năm đến 300 năm. Vì mọc tự nhiên nên cây rất khỏe, hầu hết đều là cây cổ thụ, không cần chăm bón nhiều, mỗi năm đồng bào chỉ phát cỏ 2 lần.
Năm 2016, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận các cây chè Shan Tuyết ở Suối Giàng là Cây Di sản Việt Nam.
So với các loại chè thông thường, chè Shan Tuyết có năng suất thấp hơn bởi người dân không phun thuốc, không bón phân. Mỗi khi thu hái, đồng bào dân tộc nơi đây phải trèo lên cây để hái những búp đã già.
Những năm qua, chè Shan tuyết Suối Giàng đã được đầu tư góp phần cải thiện đời sống cho bà con nhân dân trong vùng. Nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Đặc biệt, người dân Suối Giàng đã biết cách tận dụng nét đặc trưng của những cây chè trăm năm tuổi để triển khai các hoạt động du lịch sinh thái.
Song song với việc bảo tồn và mở rộng diện tích chè Shan tuyết, tỉnh Yên Bái còn chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, cấm khai thác, vận chuyển chè cổ thụ ra khỏi địa bàn, phát hiện xử lý nghiêm hành vi chặt hạ, khai thác chè cổ thụ.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái vừa qua đã triển khai gắn mã QR code truy xuất nguồn gốc cây chè Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng.
Mục tiêu là nhằm nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm chè Shan Tuyết Suối Giàng và quảng bá thương hiệu, giúp du khách và nhân dân nắm bắt được thông tin về cây chè như tuổi cây chè; tọa độ địa lý cây chè, độ cao vị trí cây chè so với mặt nước biển, nhiệt độ, khí hậu, thời tiết…
Bước đầu, các cơ quan liên quan đã triển khai thí điểm gắn mã QR code truy xuất cho 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng chia theo 4 nhóm tuổi cây, gồm: 500 tuổi trở lên, trên 400 tuổi, trên 200 tuổi, từ 100 tuổi trở lên. Ngoài ra, sản phẩm chè đóng gói cũng được triển khai gắn tem giấy dán.
Những năm gần đây, Suối Giàng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, định hướng phát triển kinh tế gắn với du lịch.
Các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương đều hướng tới phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đây cũng là một trong những nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.