Quảng Phú Cầu từ lâu nổi tiếng với nghề làm chân hương truyền thống, với tuổi đời cả thế kỷ. Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 30km thuộc huyện Ứng Hòa, đến nay làng nghề vẫn giữ nhiều nét cổ kính của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Những thẻ hương vốn là mặt hàng không thể thiếu trong văn hóa ngày Tết truyền thống của người Việt. Bởi vậy, hoạt động sản xuất ở làng nghề này càng nhộn nhịp hơn vào dịp trước Tết.
Theo khảo sát từ phóng viên của Insider (Mỹ), một tờ báo có trụ sở ở Mỹ, mỗi ngày, những người thợ làm ra khoảng 50.000 que hương trong đợt cao điểm.
Vốn là ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội với tuổi đời làm nghề hàng trăm năm, nhưng vài năm trở lại đây, Quảng Phú Cầu lại thu hút khách quốc tế theo cách rất riêng.
Hãng thông tấn AFP của Pháp cho biết, ngôi làng nhỏ đang trở thành điểm đến đắt khách nhờ những bức ảnh được chia sẻ rộng trên mạng xã hội Instagram. Thậm chí có những bức hình mang lại sức lan tỏa cao, kéo theo lượng khách không nhỏ muốn tới trải nghiệm.
Hay mới đây, Kênh La Une của Đài phát thanh và truyền hình người Bỉ nói tiếng Pháp vừa phát sóng đoạn phóng sự giới thiệu “làng hương Quảng Phú Cầu trở thành hiện tượng trên Instagram”.
Mở đầu của đoạn phóng sự là cảnh hàng nghìn que hương được phơi khô ngoài trời tạo nên khoảnh khắc ấn tượng.
Đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán, ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt Nam, làng nghề càng bận rộn hơn bao giờ hết. Khắp nơi tỏa ra nhiều khoảnh khắc rất đặc biệt. Và có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến khách quốc tế rất muốn tới trải nghiệm.
Nếu như trước kia, những que hương chỉ có màu đỏ và hồng, thì nay để có thêm nhiều góc hình “sống ảo” phục vụ du khách, một số nghệ nhân trong làng đã làm thêm gam màu xanh lá cây, vàng, giúp bắt mắt hơn khi chụp ảnh.
Từ 5 giờ sáng, ông Nguyễn Hữu Long cùng các công nhân đã tất bật xoay bó tăm hương phơi sớm cho kịp khô, dọn dẹp sân, chuẩn bị sẵn sàng ngày mới đón khách du lịch.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Long không giấu nổi sự tự hào cho biết cơ sở của gia đình là một trong những nơi tiên phong sáng tạo phát triển kinh tế dưới dạng kết hợp sản xuất và du lịch.
“Gia đình tôi có thâm niên làm nghề gần 40 năm. Tôi là thế hệ thứ 2 trong nhà được truyền nghề từ bố. Đến nay, tôi vẫn vận động con cháu duy trì để gìn giữ.
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, song song cùng việc sản xuất mỗi ngày, tôi đã nảy ra ý tưởng dùng những bó chân hương để tạo hình như bông hoa, ngôi sao 5 cánh và cả bản đồ Việt Nam hình chữ S. Từ đó, lượng khách tới chụp ảnh mỗi ngày đông thêm nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội”, ông Long nói.
Theo tìm hiểu, để tạo bản đồ Việt Nam hình chữ S cần 4 tấn tăm hương với các màu xanh, đỏ, vàng. Ông Long đảm nhận việc tạo hình khối hoặc các đường cong, còn công nhân sẽ phụ giúp.
Tùy mỗi dịp trong năm, ông lại ngẫu hứng sáng tạo thêm hình mới như cây thông Noel, bông hoa khổng lồ, trang trí ngày 8/3. Toàn bộ các hình khối được tạo nên trên khoảng sân rộng 400m2, trong đó, riêng bản đồ Việt Nam đã chiếm khoảng một nửa diện tích.
Anh Từ Văn Mỹ, hướng dẫn viên du lịch chuyên đưa khách nước ngoài tới trải nghiệm các làng nghề tại Hà Nội cho biết, nếu như thời gian đầu, lượng khách chỉ khoảng vài chục người mỗi ngày, thì nay con số đã lên tới hàng trăm khách.
“Đa phần là khách đến từ Mỹ, Australia, Canada muốn tới trải nghiệm. Họ rất ấn tượng với cách người dân tạo hình với tăm hương và muốn tìm hiểu về nghề cổ truyền của làng. Tôi cho rằng đây là cách quảng bá rất tốt về văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, anh Mỹ nói.
Được biết, chi phí cho khách vào tham quan tìm hiểu quy trình sản xuất và chụp ảnh là 50.000 đồng/lượt, qua đó vừa tạo thêm thu nhập, còn giúp quảng bá thương hiệu làng nghề.
“Bên cạnh việc đón tiếp khách du lịch, mỗi ngày gia đình tôi xuất ra thị trường từ 6-7 tấn tăm hương. Tôi rất tự hào khi biết làng nghề được nhiều khách biết tới và mong góp một phần nhỏ giúp quảng bá văn hóa Việt Nam”, ông Long bộc bạch.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.