Sau Tết Nguyên đán hàng năm, cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP Hội An long trọng tổ chức lễ hội cầu bông.
Đây là dịp để nhân dân trong làng tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân có công khai phá làng rau Trà Quế, cầu cho trời đất một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra.
Lễ hội cũng là dịp để mọi người truyền dạy, bảo ban thế hệ trẻ giữ gìn, trân quý công lao, phước đức tổ tiên; đồng thời quảng bá hình ảnh của làng rau Trà Quế và chúc phúc đầu năm của dân làng đến với du khách gần xa.
Nằm cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 2,5km về phía bắc, Trà Quế được hình thành từ gần 500 năm trước. Trải qua bao biến thiên lịch sử, cho đến nay, cư dân địa phương vẫn còn bảo lưu được phương thức canh tác truyền thống trong quy trình trồng rau.
Rau Trà Quế hoàn toàn không sử dụng phân hóa học, sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch và an toàn. Dân làng chỉ dùng rong các loại vớt từ sông Đế Võng hoặc vùng cuối hạ lưu sông Thu Bồn hoặc phân chuồng để bón cho rau. Các loại rong này có mức phân hủy cao và nhanh, giúp đất tơi xốp.
Hiện nay, mỗi ngày người dân làng rau Trà Quế cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở Đà Nẵng, Quảng Nam và bán ra thị trường, phục vụ tiêu dùng từ 4-5 tấn rau các loại. Rau được giá, thu nhập từ nghề trồng rau góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân, đồng thời thúc đẩy du lịch trải nghiệm phát triển.
Ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà – cho biết phát triển kinh tế hữu cơ tại làng Trà Quế gắn với phát triển du lịch, dịch vụ được thành phố và địa phương hết sức quan tâm.
“Thành phố đã có đề án phát triển làng rau Trà Quế. Địa phương cũng đã triển khai mô hình chuỗi liên kết rau hữu cơ VietGap ở Trà Quế và đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng Vùng 3 công nhận làng rau đạt chuẩn VietGap. Các tour du lịch nhằm nâng cao thu nhập của bà con nông dân cũng được tổ chức rất nhiều tại làng rau Trà Quế”, đại diện lãnh đạo địa phương cho hay.
Ngày 4/4/2022, nghề trồng rau của Làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam) đã được Bộ VH-TT&DL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức dân gian, Nghề thủ công truyền thống”.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.