Mồ hôi túa ra khi hàng trăm người đàn ông khỏa thân đang vật lộn để tranh nhau chiếc túi chứa đầy lá bùa bằng gỗ, đánh dấu lần cuối cùng nghi thức trong lễ hội có tuổi đời hơn 1.000 năm ở Nhật Bản.
Cùng với đó, tiếng hô vang “ma quỷ hãy biến đi” vang vọng khắp rừng cây tuyết tùng. Cảnh tượng cuối cùng trong lễ hội Sominsai tại đền Kokuseki ở tỉnh Iwate, miền bắc Nhật Bản, đã khép lại.
Theo nguồn tin từ truyền thông địa phương, đây là lần cuối cùng đền Kokuseki tổ chức lễ hội khỏa thân Sominsai. Đây vốn là ngày lễ được tổ chức thường niên kéo dài hàng nghìn năm qua, thu hút rất đông khách du lịch và dân địa phương tới tham quan.
Nhưng vài năm trở lại đây, lễ hội trở thành gánh nặng với cộng đồng dân cư địa phương vốn đang bị già hóa nhanh chóng. Những cư dân lớn tuổi cho biết, họ không còn đủ sức đảm đương với khối lượng công việc gồm nhiều nghi thức nặng nhọc.
Theo truyền thông nước ngoài, lễ hội Sominsai là một trong những ngày hội đặc biệt nhất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều truyền thống trong ngày lễ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng dân số già của quốc gia.
“Rất khó để tổ chức một lễ hội quy mô như thế. Bạn có thể chứng kiến những gì xảy ra hôm nay. Rất nhiều người có mặt tại đây. Nhưng phía sau hậu trường là rất nhiều nghi lễ và các công việc cần chuẩn bị. Tôi không thể làm ngơ trước thực tế khó khăn”, nhà sư Daigo Fujinami hiện sống ở một ngôi chùa gần đó cho biết.
Theo AFP, lễ hội Sominsai tổ chức theo nghi thức truyền thống ở đền Kokuseki từ mồng 7 Tết đến sáng hôm sau. Vào thời điểm Covid-19 bùng phát, ban tổ chức phải lược bớt và sửa đổi các nghi lễ cầu nguyện, quy mô tổ chức cũng được thu gọn hơn.
Còn với người dân và khách du lịch, đây là dịp lớn trong năm để được trải nghiệm ngày hội khỏa thân đúng nghĩa. Khi hoàng hôn buông xuống, những người đàn ông mặc chiếc khố trắng kiểu truyền thống, leo lên đồi núi để tới đền.
Tại đây, người tham gia sẽ tắm trong một con suối gần đó rồi diễu hành quanh khuôn viên của đền. Với những cái nắm tay chặt để chống lại sự lạnh giá của mùa đông, tất cả đồng thanh hô vang câu khẩu hiệu chung.
Buổi lễ lên cao đỉnh điểm là lúc hàng trăm người đàn ông tụ tập trong một ngôi đền gỗ, hò hét và tranh giành gay gắt để lấy về túi bùa may mắn.
Khi biết đây là lần cuối cùng ngày lễ được tổ chức, nhiều du khách tỏ rõ sự tiếc nuối. “Đây là buổi lễ cuối cùng của truyền thống vĩ đại kéo dài suốt hơn 1.000 năm nên tôi rất muốn tham gia”, Yasuo Nishimura, điều dưỡng 49 tuổi đến từ Osaka, nói.
Được biết, từ năm tới, đền Kokuseki sẽ thay thế lễ hội bằng nghi thức cầu nguyện.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.