Nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hội An cho biết, vài ngày qua ông có đọc một số ý kiến trái chiều và cũng đến tận nơi quan sát Chùa Cầu sau khi trùng tu.
Ông Sự cho rằng, việc trùng tu Chùa Cầu là phải làm, không làm Chùa Cầu sẽ sập đổ. Quá trình trùng tu, những người trùng tu làm rất kỹ, đảm bảo được các yếu tố nguyên gốc; vật tư, nguyên liệu cũ còn dùng được là sử dụng lại, không bỏ đi.
“Những cây cột, cây kèo, viên ngói đã hỏng, không sử dụng lại được mới thay. Nhưng khi thay mới vẫn đảm bảo nguyên bản cái cũ, như: hoa văn, họa tiết, kích thước…
Nói chung, việc trùng tu như vậy là ổn nếu không vài ba cơn lụt lớn nữa không biết Chùa Cầu còn hay không, do đó, trùng tu là việc bắt buộc phải làm, không có cách nào khác”, ông Sự chia sẻ.
Ông Nguyễn Sự khẳng định, việc trùng tu Chùa Cầu cũng đảm bảo yếu tố nguyên bản và vẫn giữ được nguyên gốc, hình dạng của Chùa Cầu, không làm biến dạng di tích.
Theo ông Sự, người ta phản ứng là do nhìn Chùa Cầu mới quá. Khi dỡ ra nhiều viên ngói bị hư, mục nát không thể sử dụng lại, những viên không hư tiếp tục dùng lại. Còn ngói mới được lấy từ làng ngói Thanh Hà ở Hội An, kích cỡ như ngói cũ.
“Tất cả nhà cổ ở Hội An trùng tu đều dùng ngói Thanh Hà, qua vài mùa mưa sẽ lên rêu lại”, ông Sự nói.
Về màu sắc mới của Chùa Cầu, ông Sự cho rằng gần 10 năm nay không quét vôi, để lên rêu mốc nhìn cổ kính. Ngay chỗ lan can hướng ra sông, khi trùng tu vẫn sử dụng vật liệu cũ, nhưng phía dưới lan can lại sơn trắng, dẫn đến bị “chõi”, làm nhiều người có ý kiến.
Về màu đỏ sậm của tường, ông Sự cho biết khi xưa là màu nâu hơi đỏ, khi trùng tu sơn hơi sậm dẫn đến nhiều người tưởng là làm mới. Nhiều chuyện nhỏ nhưng đập vào mắt của người dân, du khách gây ra ý kiến tranh cãi.
“Điều cần nói ở đây là sự quan tâm của mọi người đối với di tích này. Do người ta quan tâm nên mới cảm thấy khó chịu khi thay đổi. Đây là họ thể hiện tình yêu đối với di tích Chùa Cầu nói riêng và Hội An nói chung”, ông Sự bày tỏ.
Về những tranh cãi, theo ông Sự, đây là điều đáng mừng. Bởi nếu dư luận không quan tâm, thờ ơ sẽ không ai có ý kiến. Do đó, dù có nhiều ý kiến tranh cãi nhưng điều này xuất phát từ lòng yêu di sản, di tích.
“Khi trùng tu Chùa Cầu, dù có đúng hết nhưng cũng phải cố gắng lắng nghe, giải thích để mọi người hiểu; đồng thời đây cũng là điều nhắc nhở cho mình trong quá trình trùng tu các di tích khác, mọi thứ đều phải thận trọng”, ông Sự chia sẻ.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cũng cho hay, lắng nghe nhưng cũng đừng có “đẽo cày giữa đường”. Cái nào người dân góp ý đúng thì tiếp thu và điều chỉnh.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.