Sáng 30/7, vợ chồng ông Jonas (du khách Pháp) đến tham quan thác Bản Giốc (Cao Bằng) cùng một đoàn khách người Việt. Đến thác đúng mùa mưa lũ, Jonas ngỡ ngàng chứng kiến khung cảnh “không giống như những bức ảnh từng xem trên mạng”.
“Trong trí tưởng tượng của tôi, thác Bản Giốc là một dòng suối tự nhiên nhiều tầng, nước trên thác trắng xóa, khi chảy xuống có màu xanh biếc. Nhưng khi đến đây, tôi chỉ thấy một biển nước đục ngầu, các tầng thác đã bị nước nhấn chìm”, Jonas nói.
Tuy nhiên, vợ chồng ông Jonas không cảm thấy thất vọng. Hướng dẫn viên đã nói với ông về hiện trạng của thác và ông vẫn muốn tới để ngắm nhìn. Jonas vui vẻ cởi giày, đeo dép lê để lội nước.
Thậm chí, khi nhìn thấy dòng nước đổ ào ạt, hai vị khách Tây còn cảm thấy thích thú bởi chứng kiến sự hùng vĩ của thiên nhiên. Jonas và vợ ngồi một lúc lâu ở ghế đá để ngắm cảnh.
Theo anh Lý Đạo Huy, Giám đốc Công ty Du lịch Cao Bằng Travel, trưa 30/7, công ty có dẫn đoàn khách du lịch đến tham quan thác Bản Giốc nhưng nước sông dâng cao, hoạt động trải nghiệm đi thuyền bè trên sông Quây Sơn phải tạm dừng.
Mưa lớn trong ngày 28-29/7 khiến lũ ở thượng nguồn sông Quây Sơn đổ về nhiều nên trong ngày 30/7, mực nước tại hạ lưu thác Bản Giốc lên cao, gây ngập diện rộng.
Du khách đến chỉ tiếp cận được đoạn đường để chuẩn bị xuống bè, còn cách chân thác khá xa. Phần chân thác hầu như không thể nhìn thấy, nước đục ngầu, chảy xiết, ngập sâu khoảng 3-4m.
“Tình hình mưa lũ tại Cao Bằng khiến một số du khách lo lắng nên đã gọi điện hoãn tour vào hai ngày cuối tuần. Tuy nhiên, hôm nay (31/7) chúng tôi vẫn dẫn có đoàn khách tham quan theo đúng lịch trình. Hiện, thời tiết ở Cao Bằng đã tạnh mưa”, anh Huy cho biết.
Thực tế, mùa mưa lũ ở Cao Bằng thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10 nên việc thác Bản Giốc thời điểm này bị lũ “nhấn chìm” cảnh quan không phải điều lạ. Các công ty du lịch dẫn khách tham quan đều phải báo trước cho khách về hiện trạng tại thác.
Ngoài thác Bản Giốc, du khách vẫn có thể tham quan nhiều điểm du lịch khác ở Cao Bằng, như: Động Ngườm Ngao, đồi cỏ, núi Mắt Thần, các làng nghề truyền thống ở lân cận thác Bản Giốc…
Du khách đến Cao Bằng thời điểm này nên lưu ý tránh di chuyển ở các đoạn đường dễ sạt lở, không tiếp cận gần những khu vực ban quản lý đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm…
Từ ngày 27/7 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to. Tổng lượng mưa 4 ngày từ 27-30/7 tại các trạm đo (152,8mm tại Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm; 103,8mm tại Minh Tâm, Nguyên Bình; 190,6mm tại Trương Lương, Hòa An; 99,2mm tại Quang Vinh, Trùng Khánh), gây ngập lụt, úng, sạt lở đất ảnh hưởng đến nhà ở, lúa, hoa màu của người dân, công trình tại một số địa phương.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Cao Bằng, sạt lở đất có thể xuất hiện trên sườn dốc, sụt lún đất tại các huyện: Nguyên Bình, Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thạch An và thành phố Cao Bằng.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế – xã hội.
Cảnh báo cấp độ 1 rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.