Ngày 21/8, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, cho biết khu vực Chín Hầm và nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn là công trình đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia từ năm 1993.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trực tiếp, phối hợp với UBND thành phố Huế quản lý di tích nói trên.
Theo ông Lộc, nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn đã xuống cấp theo thời gian, có thể gây nguy hiểm cho du khách. Do đó, địa điểm này ít có người dân hay du khách đến tham quan.
Thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã khoanh vùng, cắm mốc, biển cảnh báo theo đúng Luật Di sản để không bị lấn chiếm, đồng thời thường xuyên cắt cử người dọn dẹp vệ sinh.
“Cùng được công nhận là di tích nhưng với điều kiện về con người và nguồn lực có hạn, Bảo tàng đang thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy di tích Chín Hầm. Do đây là địa điểm có đông khách tham quan, là “địa chỉ đỏ” giáo dục về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, có rất đông học sinh, hội cựu chiến binh, tổ chức đoàn thể trong và ngoài tỉnh về tổ chức dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ và nghe thuyết minh về “địa ngục trần gian” Chín Hầm”, ông Lộc thông tin.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết UBND tỉnh này đã có chủ trương cho đơn vị lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích Chín Hầm và nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn.
Bảo tàng đang phối hợp với các cơ quan liên quan lập hồ sơ trình Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, dự kiến đưa vào danh sách đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2026-2030.
“Chúng tôi rất hoan nghênh, mong muốn có thể xã hội hóa, tìm nhà đầu tư để bảo tồn, khai thác di tích này trong thời gian tới”, ông Lộc khẳng định.
Trước đó, báo Dân trí đã phản ánh về thực trạng khu di tích biệt thự của “lãnh chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn, bị hoang phế lâu năm, nằm trong khu rừng rậm rạp tại phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Do thiếu hàng rào bảo vệ, không có lực lượng bảo vệ túc trực thường xuyên nên di tích này bị người dân xâm nhập, để lại nhiều vật thể lạ trong căn biệt thự 2 tầng.
Vào tham quan nhà chứng tích, nhiều du khách tỏ ra tiếc nuối khi một công trình bề thế cùng diện tích sân vườn rộng lớn, nhiều cây cổ thụ bị bỏ hoang, không được khai thác, chăm sóc, lâu ngày hư hại, xuống cấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, năm 2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua nghị quyết về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn đến năm 2030.
Có 123 di tích phân cấp quản lý nằm trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được hỗ trợ chính sách đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi khoảng 66 di tích; giai đoạn 2026-2030 thực hiện tại 57 di tích, trong đó có khu di tích Chín Hầm và nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn.
Hàng năm, tỉnh Thừa Thiên Huế huy động và cân đối bố trí nguồn lực từ ngân sách để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.