Thiên đường du lịch, tới đâu cũng thấy… cảnh đẹp
Anh Lê Văn Hỷ – du khách từ TP.HCM, sau chuyến du lịch 3 ngày lên tỉnh Bình Phước đã thốt lên rằng: “Tới chỗ nào trên địa bàn của thị xã Phước Long, tôi cũng mê mải với cảnh đẹp vùng đất này; bởi cứ đi một đoạn đường, lại gặp một cảnh đẹp. Chưa nói, khí hậu se lạnh mùa cuối năm, mùa cao su thay lá, càng khiến cho Phước Long như một thiên đường”.
Thật vậy, cách TP.HCM khoảng 160km, TP. Đồng Xoài khoảng 50km, Phước Long nằm ở phía bắc tỉnh Bình Phước. Khí hậu Phước Long mát mẻ, trong lành; đặc biệt có sông, có núi do tạo hóa hình thành, là nơi đáng sinh sống, lập hiều nghiệp, đáng lựa chọn để trải nghiệm du lịch.
Nói đến Phước Long, người ta nghĩ ngay tới núi Bà Rá. Núi Bà Rá đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia vào ngày 20/4/1995. Đây là một ngọn núi cao 723 mét nằm trên địa phận phường Sơn Giang, thị xã Phước Long.
Truyền thuyết kể rằng: Vị tổ của người S’tiêng có hai người em gái. Ông đắp núi Bà Đen (thuộc tỉnh Tây Ninh) cho cô em gái đầu và đắp núi Bà Rá cho người em gái thứ hai để trấn giữ đất đai cho người S’tiêng.
Đồng bào S’tiêng gọi ngọn núi này với cái tên đầy thành kính: “Bơnom Brah”, có nghĩa là “ngọn núi Thần” hay “Thần Núi Yang Yumbra”. Đây là vị thần được tôn thờ trên đỉnh núi Bà Rá.
Với địa hình hiểm trở, núi Bà Rá là nơi ghi dấu nhiều chiến tích anh dũng kiên cường, cũng như có nhiều giai thoại, gắn liền các sự kiện lịch sử quan trọng. Tại nơi đây, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là căn cứ hoạt động của những chiến sĩ cách mạng.
Từ đỉnh núi Bà Rá, du khách có thể nhìn thấy trung tâm thị xã Phước Long. Chủ trương bảo tồn và phát triển, chính quyền địa phương đã đầu tư cho núi Bà Rá nhiều hạng mục, công trình. Những công trình này đang ngày càng hoàn thiện, với cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nhằm biến dự án quần thể văn hóa – cứu sinh Bà Rá trở thành một điểm tham quan du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Bình Phước.
Đặc biệt, hàng năm vào các ngày 1, 2, 3 tháng 3 âm lịch, nơi đây diễn ra Lễ hội Miếu Bà Rá và trở thành ngày hội của nhân dân địa phương trong và ngoài tỉnh. Đây là một hoạt động tín ngưỡng vừa mang tính cộng đồng dân gian, vừa gắn với di tích lịch sử địa phương. Đặc biệt, Lễ hội Miếu Bà Rá được chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể vào cuối tháng 12/ 2019 và được công bố vào tháng 4/ 2021.
Ngoài núi Bà Rá như một điểm du lịch tâm linh thờ mẫu, thị xã Phước Long còn có một danh thắng Đức Mẹ Vô Nhiễm, nằm ở khu phố 2, phường Thác Mơ. Đức mẹ Thác Mơ rất linh thiêng với tín đồ theo đạo công giáo. Hàng năm vào ngày 8/12 dương lịch nơi đây diễn ra thánh Lễ lớn trong năm (hay còn gọi là Lễ Thác Mẹ), thu hút rất đông tín đồ, du khách.
Ông Bùi Thanh Liêm (trú phường Long Phước, thị xã Phước Long) cho biết: “Ở Phước Long còn có hồ Long Thủy nằm ngay trung tâm thị xã hàng chục năm nay. Xa hơn một chút là lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Nhiều du khách tới Phước Long đã dành hàng giờ ngắm cảnh lòng hồ có diện tích rộng khoảng 109 km2.
Từ trên đỉnh núi Bà Rá, nhìn xuống hướng Đông Bắc, qua cầu Thác Mẹ, du khách còn có thể ngắm toàn bộ diện tích khu phố 5, phường Thác Mơ – địa bàn bao quanh bởi lòng Hồ Thủy điện Thác Mơ, suối đá (thuộc dòng chảy cửa xã Đập tràn thủy điện). Nơi đây có khung cảnh tuyệt đẹp để phát triển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng”.
Nhiều điểm “check in” trên địa bàn thị xã được giới trẻ truyền tai nhau như: Cánh đồng hoa Sơn Long, café Thượng nguồn Thác Mơ, café Đồi Chill, Hồ Ông Nhớ, điểm du lịch Sơn Long Field, Suối đá Năm Thường, Đập Đăk Tôn… mỗi nơi mang một vẻ đẹp riêng độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Phước Long còn là thủ phủ của ngành chế biến – xuất khẩu điều của tỉnh Bình Phước. Còn gì tuyệt vời hơn nếu thưởng thức đặc sản này ngay trên quê hương của nó, cũng như tham quan, tìm hiểu về quy trình làm ra hạt điều của người nông dân, sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm và cảm nhận khó quên.
Chưa khai thác hết tiềm năng du lịch, vì sao ?
Ông Nguyễn Văn Dũng – phó Chủ tịch UBND thị xã Phước Long – cho biết: “Thị xã Phước Long hiện đã hình thành các loại hình du lịch tiềm năng, là cánh cửa lớn mở ra cho những ai đang tìm kiếm một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, là cơ hội để các nhà đầu tư ngành công nghiệp không khói được khởi sắc một cách bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn những “điểm nghẽn” nằm ngoài khả năng giải quyết của chúng tôi, nên tiềm năng du lịch của địa phương, đến nay vẫn còn chưa khai thác hết”.
Qua tìm hiểu, PV Dân Việt được biết “điểm nghẽn” đầu tiên là giao thông. Đường ĐT 741 nối liền TP. Đồng Xoài lên thị xã Phước Long – đây cũng là con đường độc đạo thông với Bình Dương, TP.HCM, nối kết với Quốc lộ 14 lên các tỉnh Tây Nguyên… Nhưng nhiều năm qua, việc mở rộng, nâng cấp tuyến ĐT 741 từ TP. Đồng Xoài lên Phước Long vẫn ì ạch, chưa khai thông.
Đáng nói, đoạn nâng cấp mở rộng tuyến đường qua địa phận huyện Phú Riềng – xã Bù Nho, tuyến đường bị thắt cổ chai từ 2 làn, bóp thành 1 làn, gây bức xúc cho người dân, vẫn chưa được tháo dỡ.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương đến đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh, còn chưa bài bản. Chính vì vậy, “thiên đường du lịch” Phước Long nói riêng và Bình Phước nói chung, chưa được mọi người biết đến.
Theo ông Nông Hồng Thức – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước: “Tỉnh nhà đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư. Mở rộng thị trường du khách và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên du lịch. Đồng thời, giải quyết nguồn lao động tại chỗ… tạo nên một hướng đi chiến lược, sớm đưa Phước Long vươn mình, đón đầu phát triển du lịch, kết nối du lịch sang các vùng lân cận.”
Thực hiện Kết luận số 384-KL/TU ngày 25/6/2022 của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thị xã Phước Long đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Phước Long.
Trong thời gian tới, để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch bền vững, thị xã Phước Long sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước về du lịch; kêu gọi đầu tư xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch.
Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh của địa phương như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử; từng bước xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu thị xã Phước Long để giới thiệu, quảng bá, nâng cao chất lượng, hấp dẫn khách du lịch.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 21 dân tộc anh em sinh sống, với văn hoá “đa dạng, bản sắc, hội nhập”…Với tiềm năng, thế mạnh độc đáo, người ta hy vọng Phước Long sẽ khai thác hết tiềm năng sẳn có, để trở thành một “thiên đường” du lịch nổi bật của tỉnh Bình Phước và miền Đông Nam bộ.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.