Chỉ trong vòng 6 năm, Nguyễn Thị Tuyết Minh (31 tuổi, sống ở TP.HCM) đã có nhiều hành trình phi thường ít người đạt được.
Tuyết Minh từng đi phượt xuyên 4 nước trong 65 ngày chỉ tốn 35 triệu đồng, đi hết 63 tỉnh thành Việt Nam và đặc biệt là hành trình chinh phục Umling La nằm ở Ladakh, được tổ chức Guinness thế giới ghi nhận là con đèo cao nhất có thể đi qua bằng xe trên thế giới, với độ cao ấn tượng 5.883m so với mực nước biển.
Cô được xem là nữ biker Việt đầu tiên tự điều khiển xe máy chinh phục điểm đến kỳ thú này.
Chinh phục đỉnh cao
* Chào bạn. Hành trình chinh phục đỉnh Umling La của bạn đã diễn ra như thế nào?
– Chuyến đi Umling La kéo dài khoảng 10 ngày, với 7 ngày chạy xe. Chúng tôi đi cùng một đoàn tới Leh Ladakh, nghỉ ngơi 1 ngày để thích nghi với độ cao 3.500m. Việc thích nghi này là điều kiện để có thể tiếp tục những hành trình dài hơn, chinh phục những địa điểm cao hơn.
Trong thời gian cố gắng thích nghi độ cao 3.500m, tôi đã trải qua nhiều lần lưỡng lự, phân vân. Hướng dẫn tour có nói rằng, để thích nghi độ cao, cần phải uống nhiều thuốc chống say trước đó 2-3 ngày. Nhưng tôi kiên quyết không uống, vì muốn cơ thể tự thích nghi.
Ở Leh, tôi có triệu chứng khát nước rất nhiều, song nhịp thở vẫn đều đặn. Tôi cũng bắt buộc phải nằm nghiêng 45 độ.
Tham khảo mọi người, tôi quyết định uống thuốc. Đáng tiếc, sau khoảng 15 phút uống, tôi xuất hiện triệu chứng ói mửa, đổ mồ hôi lạnh, tay chân bủn rủn, tiêu chảy, cứ như chết đi và sống lại… Thành ra, uống rồi mà không khác gì không uống.
Do đó, tôi quyết định không dùng thuốc nữa, để cơ thể điều chỉnh, thích nghi tự nhiên.
Tôi có cảm giác như sắp phải nhập viện đến nơi. Nhưng tôi cố gắng trấn tĩnh lại, điều chỉnh nhịp thở, thở chậm, mở cửa và ngủ tư thế 45°. Cũng may sáng hôm sau, cơ thể hồi sức, tôi nạp vitamin và nước để cơ thể phục hồi lại nhanh hơn, cũng như tăng sức đề kháng tiếp tục hành trình.
Hành trình di chuyển kéo dài khoảng 7 ngày. Đường khá xấu, đồi núi, hoang mạc, đất đá sỏi… Rồi thiếu nước, thiếu điện, phải đợi nắng lên mới có nước ấm để tắm. Nói chung, điều kiện sinh hoạt ở đây khá thiếu thốn.
Một số đoạn đường đóng băng không thể di chuyển bằng xe máy. Nhiệt độ ban đêm xuống tới -8° cho đến -13°, sáng ra cũng chỉ khoảng 3-5 độ. Do đó, phải đến tầm 9h, chờ nắng lên, nhiệt độ tầm 10° – 12°, chúng tôi mới bắt đầu di chuyển. Nếu không, e sẽ ảnh hưởng sức khỏe dẫn đến việc lái xe không an toàn.
Một số đoạn đường không thể lái xe máy, chúng tôi buộc phải leo lên xe bán tải đi qua. Việc đi dưới thời tiết lạnh trong thời gian dài khiến mọi người giảm dần sức khỏe.
Về chuyện chinh phục đỉnh Umling La, tôi được bảo rằng mình là nữ biker Việt đầu tiên tự chạy xe máy 1.000km mà không có sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Nhưng tôi chỉ thấy mừng vì đã may mắn lên được đỉnh Umling La, chứ không nghĩ bản thân là một điều gì đó ghê gớm. Chỉ là thời điểm đó, tôi may mắn chinh phục đỉnh đó trước người khác thôi.
* Bạn đã lấy sức mạnh ở đâu để có thể vượt qua những khó khăn như vậy?
– Tôi đam mê xe phân khối lớn từ rất lâu, cũng đã tham gia nhiều câu lạc bộ, các buổi training của hội xe, hãng xe. Nhờ đó, tôi có được một số kỹ năng để chạy những con đường xấu, quanh co.
Lái xe nặng trong khi chiều cao khiêm tốn, không tránh khỏi xuất hiện một vài sự cố trong hành trình. Chẳng hạn, khi phải đổ cua nhiều, có thể gặp phải hiện tượng “say cua”.
Lái xe trong điều kiện nhiệt độ phổ biến từ -5 độ đến 10 độ C, tôi không chỉ lạnh cơ thể mà lạnh cóng đôi tay cầm lái, đôi chân và mũi. Dù vậy, tôi luôn động viên mình ‘Gần tới nơi rồi, cố gắng thêm chút nữa’.
Cũng có lúc tôi cảm giác mình sắp từ bỏ đến nơi. Nhưng mọi người trong đoàn đều cố gắng động viên, nên tôi lại cố gắng chinh phục được đỉnh Umling La.
Trong hành trình, tôi cũng có lần gặp sự cố nhẹ. Do tôi chọn vào đường offroad là bãi cát mịn, bụi mù mịt không thấy đường, lại là đường cát khó di chuyển dẫn đến ngã xe. Chiếc xe không đề được, mọi người phải hỗ trợ đẩy giúp, trong khi tôi ngồi trên xe cố gắng nổ máy. Khi thấy xe nổ, vẫn còn chạy được là tôi lại chạy tiếp.
Nhìn chung, cả hành trình, tôi luôn cố gắng làm sao để xe không tắt máy, tránh làm phiền đến những người khác. Tôi cố gắng uyển chuyển một chút để chinh phục được cung đường đó. Rất may mắn, cuối cùng tôi đã thành công.
Xe phân khối lớn, xe côn tay rất hợp đi phượt
* Bạn đã lái nhiều chiếc xe khác nhau. Xuyên Đông Nam Á là Sonic 150R, xuyên Việt là CB500X, hay chinh phục Umling La bằng Royal Enfield Himalayan 450. Tại sao bạn lại chọn những chiếc xe này?
– Tôi thích xe phân khối lớn, xe côn tay vì tính an toàn và độ tăng tốc, đặc biệt khi muốn vượt chướng ngại vật hay đi đường đèo.
Chẳng hạn, khi đổ đèo mà rơi vào trường hợp mất thắng, số sẽ giúp ghìm lại, cho tôi có thời gian phán đoán tình hình và xử lý tốt hơn. Nếu sử dụng xe tay ga, nếu gặp trục trặc về thắng sẽ khá nguy hiểm, dễ bị trôi xe, khiến mình dễ bị hoảng, khó xử lý chính xác.
Ngoài ra, nữ lái xe tay côn vượt qua những khó khăn cho cảm giác… rất ngầu (cười). Thực hiện được điều này không hề đơn giản. Tôi cũng phải trải qua quá trình tập luyện khó khăn, nhiều lần ngã xe, nhiều lần dựng xe để có thể được như bây giờ.
* Bình thường, bạn sử dụng một chiếc xe như thế nào?
– Điều đó tùy thuộc vào nhu cầu di chuyển. Đi đường trường, tôi hay dùng Honda CB500X. Đi uống cà phê hay đi phố, tôi hay dùng nakedbike. Còn xe cào cào sẽ dùng để đi rừng.
* Nghĩa là bạn có hẳn một bộ sưu tập xe mô tô để phục vụ cho các mục đích khác nhau. Bạn có thể tiết lộ sơ qua về chúng?
– Chiếc Honda CB500X tôi hay chạy có thể nói là chiếc mô tô quốc dân với giá vừa phải. Tầm 200 triệu là bình thường với những người chơi xe phân khối lớn. Chi phí bảo dưỡng không quá cao, lại nhiều trang bị an toàn như phanh ABS, hộp số 6 cấp, công nghệ chống trượt.
Chiếc xe cào cào Yamaha WR155R tôi hay sử dụng để tập giữ thăng bằng, vượt qua chướng ngại vật và dựng xe theo từng cân nặng.
Chiếc CB300R tôi từng dùng đi phượt xa và cũng phù hợp để di chuyển trên phố, uống cà phê cùng bạn bè. Nhưng khi đã chạy quen thì tôi vẫn muốn nâng phân khối cũng như đa dạng dòng xe để có thể trải nghiệm và cùng nó đi ngao du khắp nơi.
Mỗi một chiếc xe đối với tôi đều gắn liền kỷ niệm, các khoảnh khắc đáng nhớ nên tôi không muốn bán đi.
* Tôi tò mò lý do bạn đam mê xe phân khối lớn – một thứ vốn không phải sở trường của phái nữ.
– Thật ra, tôi vẫn có một chiếc xe tay ga nhỏ gọn để đi phố. Nhưng để đi chơi, đi phượt thì tôi thích xe phân khối lớn hơn, cảm giác khỏe khoắn hơn, không bị ì như xe máy thông thường.
Chẳng hạn, khi tôi muốn vượt qua một thứ gì đó, xe phân khối lớn sẽ bứt tốc một cách dễ dàng. Còn xe máy thông thường sẽ cần một khoảng thời gian để vượt lên, hay gọi đơn giản là độ ì.
* Bạn có lời khuyên gì cho những bạn gái muốn thử sức với xe phân khối lớn và đi phượt?
– Theo tôi, nữ lái xe phân khối lớn không quá khó khăn. Điều quan trọng là tập luyện thôi. Khi đã quen rồi thì đi phượt bằng xe phân khối lớn không phải vấn đề.
Nhưng tốt nhất nên chọn đường quốc lộ, thay vì đường nhánh hay đường tỉnh. Nếu đi những đường này, nếu không may xe xảy ra vấn đề sẽ rất khó xử lý. Đơn cử như đi vào nơi không có sóng, muốn gọi cứu hộ cũng khó.
Ngoài ra, nếu phượt bằng xe máy thì nên trang bị kiến thức về chiếc xe của mình cũng như cách xử lý những tình huống dễ gặp phải như thủng lốp, cách bảo dưỡng xe.
* Rất cảm ơn bạn về những chia sẻ vừa rồi.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.