Bali – Indonesia mở cửa với du khách mọi quốc gia từ ngày 4-2 – Ảnh: AFP
Năm 2015, trong nỗ lực thúc đẩy du lịch, Indonesia đã thêm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga vào danh sách các quốc gia được miễn phí khi làm thị thực nhập cảnh ở sân bay.
Thời điểm đó, Bộ trưởng du lịch Arief Yahya cho biết với 450.000 du khách nước ngoài được miễn phí làm thị thực ở sân bay, Indonesia đã mất khoảng 540 triệu USD.
Tuy nhiên, chiến lược vẫn mang lại kết quả. Trong vòng hai tháng, lượng khách du lịch đã tăng 16%, so với 3% ba tháng trước đó. Một nghiên cứu của Đại học Hiroshima Nhật Bản vào năm 2016 xác nhận “chính sách thị thực mới có thể thúc đẩy đáng kể lượng khách du lịch”.
Ở thời điểm hiện tại, sau hai năm nền kinh tế chật vật vì các biện pháp kiểm dịch COVID-19, Indonesia vẫn đưa ra chính sách thị thực nhập cảnh ở sân bay đối với 23 nước, trong đó có Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc từ ngày 7-3. Tuy nhiên, chi phí xin thị thực là 35 USD và thông tin này không được công bố rộng rãi.
Theo dữ liệu của Statista, trong bối cảnh nền kinh tế của Bali đang phải gánh chịu những tổn thất nặng nề trong hai năm qua và tỉ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng lên 41%, chính sách trên dường như phản tác dụng.
Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ Indonesia thông báo đã dỡ bỏ quy định cách ly song du khách quốc tế đến đây vẫn phải ở 4 ngày 3 đêm đầu tiên trong kỳ nghỉ tại những khách sạn được chứng nhận CHSE (Sạch sẽ, Sức khỏe, An toàn và Bền vững với môi trường). Giá ở một đêm tại những khách sạn CHSE là 50 USD, gấp 3 lần giá một căn phòng tại Canggu – trung tâm giải trí tại Bali.
Một rào cản khác khiến du khách ngán ngẩm không buồn nghĩ tới viễn cảnh du lịch Bali là yêu cầu xét nghiệm mất phí tại đây. Mặc dù phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 tiếng trước giờ khởi hành, du khách vẫn phải trả 20 USD/khách để thực hiện xét nghiệm PCR lần 2 khi máy bay hạ cánh xuống Bali. Sau đó, khi đến khách sạn được chứng nhận CHSE, du khách tiếp tục cách ly trong phòng cho đến khi nhận được kết quả lần xét nghiệm thứ 2. Hai ngày sau, họ lại phải xét nghiệm lần nữa trước khi rời khách sạn.
Tại những điểm đến như Úc và Maldives cũng mở cửa đối với ngành du lịch, hành khách đơn giản chỉ cần đưa xác nhận âm tính với COVID-19 khi hạ cánh.
“Chính phủ cẩn thận như vậy là tốt. Nhưng tôi không hoàn toàn ủng hộ quy định này. Ba lần xét nghiệm là quá nhiều đối với tôi. Test nhanh lúc nhập cảnh là đủ rồi”, tiến sĩ Dicky Budiman – một nhà dịch tễ học hỗ trợ xây dựng chiến lược phản ứng trước đại dịch cho Indonesia – nhận xét.
Du khách đến với Bali còn bị yêu cầu tải ứng dụng theo dõi Pedulingi và đăng mẫu khai y tế trực tuyến, cũng như tình trạng tiêm chủng của họ. Quy trình này phức tạp và rắc rối hơn đối với những du khách nhí dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin hoặc những ai chỉ tiêm vắc xin Johnson & Johnson 1 mũi.
Nhiều du khách cũng rất bối rối, không biết “gói bảo hiểm COVID-19 trong 30 ngày và hai lần xét nghiệm PCR” được bán tại sân bay với giá 105 USD có bắt buộc hay không.
“Tôi muốn biết liệu có tách riêng gói, chỉ mua xét nghiệm PCR được không. Tôi đã có bảo hiểm sức khỏe riêng của mình rồi”, Joyce Aernouts – một người nước ngoài – chia sẻ nỗi băn khoăn trên tài khoản Facebook Bali Covid-19 Update.
Tâm lý e ngại đã thể hiện rõ ở số lượng du khách chính thức tới Indonesia vừa qua. Ngày 9-3, hai ngày sau thông báo mở cửa, vỏn vẹn 31 người nước ngoài hạ cánh xuống Bali. Mặc dù người đứng đầu phòng Bali thuộc Bộ Nhân quyền và tư pháp, ông Jamaruli Manihuruk, lưu ý số khách này gấp 4 lần so với ngày đầu tiên song nhiều người cho rằng đây không phải là con số để khoe khoang.
Đây mới chỉ là những ngày đầu và quá trình đến với Bali của khách du lịch chắc chắn sẽ trở nên dễ dàng và ít phức tạp hơn trong những tháng tới. Tuần trước, chính phủ đã khởi động trang web welcomebacktobali.com, một nguồn thông tin dành cho du khách nước ngoài.
Rõ ràng việc hồi sinh ngành du lịch hùng mạnh một thời của Bali sẽ không diễn ra vội vàng. Anh Ahmad Syahfitrah, giám đốc điều hành Câu lạc bộ bãi biển Potato Head, cho biết: “Lượng khách du lịch hiện nay không là gì so với năm 2019, khi 6 triệu người nước ngoài đến thăm hòn đảo. Tôi chắc chắn khi du lịch quốc tế hồi phục hoàn toàn trong một vài năm tới, số lượng du khách sẽ tăng gấp đôi vì mọi người đều nhớ Bali”.