Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Khánh Hòa cho hay vào lúc 22h50 ngày 20-1, đơn vị nhận được tin báo có 2 du khách từ TP.HCM đi leo núi và không may bị mắc kẹt trên núi Cô Tiên – thuộc địa phận phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, do kiệt sức, không thể tự xuống núi.
Phòng nhanh chóng cử 1 xe cứu hộ cùng 6 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường.
Đến 1h30 ngày 21-1, các chiến sĩ cứu hộ đã tiếp cận được nơi có các nạn nhân. Tổ công tác đã dùng cáng và cõng các nạn nhân đưa xuống chân núi an toàn vào lúc 2h sáng nay.
Nguy cơ từ du lịch “bụi” tự phát
Ngoài vụ việc sáng nay, vào cuối tháng 6-2023, một nhóm 7 bạn trẻ từ TP Nha Trang đến thác Edu (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh) để vui chơi. Trong khi tắm thác, 1 người bị chết đuối.
Trước đó, cuối năm 2020, một nhóm khách du lịch từ TP.HCM đã thuê người dân ở Khánh Sơn dẫn đường, mang vác hành lý để đi tour trekking ở núi Tà Giang (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) và bị mắc kẹt trong rừng do gặp phải mưa lũ kéo dài, khiến chính quyền địa phương phải huy động lực lượng giải cứu.
Cũng tại núi Cô Tiên, vào ngày 11-1 xảy ra vụ cháy rừng, tuy đám cháy không lan đến nơi cắm trại nhưng đã khiến nhiều người trên núi cảm thấy lo sợ, sau đó lực lượng chức năng đã phải hỗ trợ đưa 25 người xuống núi.
Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên – phó chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa – cho hay đối với khách du lịch “bụi” theo dạng tự phát, cơ quan chức năng rất khó quản lý.
Bên cạnh đó, các điểm như núi Cô Tiên, Mũi Đôi, Hoàng Ngưu Sơn… vẫn chưa được đưa vào khai thác du lịch, vì vậy các công ty lữ hành, du lịch vẫn chưa triển khai các tour này.
Cảnh báo đối với người leo núi Cô Tiên
Ông Bùi Danh Hải – phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa – cho hay việc leo núi, cắm trại trên núi Cô Tiên là hoạt động sinh hoạt, thể dục, dã ngoại bình thường của người dân và du khách. Do đó, địa phương không hạn chế hoạt động này.
Tuy nhiên, để an toàn hơn cho mọi người khi tham gia các hoạt động tại đây, phường sẽ đề nghị UBND thành phố lắp các biển thông báo với nội dung giữ an toàn khi leo núi, cảnh báo người dân không đốt lửa trên núi nhằm hạn chế rủi ro hỏa hoạn, không xả rác bừa bãi…
Các biển cảnh báo sẽ được cắm từ dưới chân núi, dọc đường đi và trên đỉnh núi để mọi người dễ nhận biết.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tăng cường nắm tình hình địa bàn tại khu vực này để đảm bảo an ninh, an toàn hơn cho người dân khi có các sự việc ngoài ý muốn xảy ra.
Du khách cần chú ý gì khi trekking đường dài, chinh phục địa hình?
Anh Lê Ngọc Trọng, hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ du lịch “bụi” với hình thức trekking đường dài, chinh phục địa hình ngày càng nhiều.
Tuy nhiên du khách phải chuẩn bị tốt thể lực, các thực phẩm thức uống, trang bị và đồ y tế… Đối với những khách có tiền sử bị bệnh tim, huyết áp không nên tham gia hoặc chỉ di chuyển với quãng ngắn và đi với người bên cạnh. Không nên đi đến những địa hình lần đầu tiếp xúc hoặc đi vào ban đêm vì rất dễ xảy ra sự cố.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.