Nếu nói về du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khuyến thưởng, triển lãm hoặc tổ chức sự kiện) ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam lâu nay vẫn được xem là đi sau Thái Lan, Singapore. Đoàn du lịch MICE đông, thường xuyên lên đến hàng trăm hoặc hàng nghìn khách.
So với khách lẻ, khách du lịch MICE như của Ấn Độ được xem là có nhiều lợi thế từ sức hút truyền thông, chi tiêu du khách. Theo khảo sát của Cục Du lịch Quốc gia, khách MICE châu Âu chiếm khoảng 20% và là dòng khách cao cấp, mức chi tiêu 700-1.000 USD một ngày, khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD một ngày. Đây là số tiền chi trả cao, khi trung bình chi tiêu của một khách du lịch đến Việt Nam trong 9 ngày là 1.200 USD.
Giới chuyên gia cho rằng, mỗi quốc gia có một cách thu hút khách du lịch MICE khác nhau. Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng của khách MICE kết hợp khám phá thiên nhiên và trải nghiệm lịch sử, văn hoá.
Nhìn hình ảnh dòng du khách Ấn Độ hào hứng thăm quan, khám phá các thắng cảnh Hà Nội như Văn Miếu – Quốc Tử giám, Hồ Gươm, di tích nhà tù Hoả Lò hay hào hứng khám phá danh thắng Tràng An, kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long… chúng ta có thể thấy rằng Việt Nam luôn khác biệt trong mắt các du khách Ấn Độ.
Có thể nói, sự kiện 4.500 du khách Ấn Độ sang là điểm nhấn khẳng định những cố gắng, nỗ lực tuyệt vời của những người làm du lịch Việt trong việc quảng bá, giới thiệu chuyến đi cho những du khách đường xa tìm hiểu về đất nước mình.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định sự thân thiện của con người, vẻ đẹp của thiên nhiên và giá trị trầm sâu của lịch sử bốn nghìn năm dân tộc dựng xây với những người bạn phương xa, có thể là lần đầu đến Việt Nam với nhiều ấn tượng sâu sắc nhất.
Tuy nhiên, để có thêm nhiều đoàn khách như vậy, thậm chí biến Việt Nam trở thành điểm đến bền vững, không thể bỏ qua của nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài, chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn thế.
Tôi chợt ghen tỵ với Nhật Bản, khi gần đây họ “than phiền” một điều mà các nước khác khao khát… “quá tải du khách”. Theo thống kê của Tổ chức du lịch Quốc gia Nhật Bản, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 14, 6 triệu du khách đến Nhật, riêng trong tháng 3/2024 đã có hơn 3,1 triệu du khách.
Quá đông du khách đến xứ sở Hoa Anh Đào khiến những thắng cảnh của đất nước này đông đến mức ngột ngạt, đảo lộn cuộc sống của người dân.
Sức hút của Nhật Bản đối với du khách được lý giải do đồng Yên mất giá, khiến chi phí khám phá Nhật Bản rẻ đi. Bên cạnh đó là hiệu ứng từ “văn hóa Instagram” – hiện tượng khách du lịch trải nghiệm, chụp ảnh đăng trên mạng xã hội về đất nước này đã khiến hiệu ứng nhiều người nước ngoài đổ xô đi Nhật.
Không thể phủ nhận nguyên nhân “thời sự” của đồng Yen, của văn hoá Instagram tác động đến du lịch Nhật, nhưng phải “có bột mới gột lên hồ”, phải thừa nhận xứ sở hoa Anh Đào có quá nhiều điều để khám phá từ cơ sở hạ tầng hiện đại, cách làm du lịch chuyên nghiệp của người dân hay cách biến tận dụng làng nghề truyền thống, lễ hội thành sự kiện du lịch trải nghiệm.
Tôi từng có chuyến thăm Nhật Bản, cực kỳ ấn tượng khi xứ sở Hoa Anh Đào bên cạnh sự phát triển cực thịnh, họ vẫn giữa được lối kiến trúc dân tộc cổ kính. Những địa điểm du lịch văn hoá, lịch sử như cố đô Kyoto hay các vùng nông thôn Nhật Bản vẫn bảo tồn được những trầm tích văn hoá hàng nghìn năm với đa dạng lễ hội, tín ngưỡng và kiến trúc đặc sắc Thần đạo.
Với Việt Nam, phải nói rằng chúng ta được thừa hưởng lại một thắng cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng; bề dày văn hoá, lịch sử hào hùng của 4.000 năm ông cha ta dựng xây, lưu giữ còn ẩn sâu trong những dòng di sản để làm cơ sở cho ngành du lịch phát triển.
Nhưng, có một thực tế hiện nay là Việt Nam đang trong quá trình đô thị hoá nhanh, nhiều làng quê Việt đang biến chuyển thành những thị trấn, thị xã, thành phố hao hao giống nhau. Nơi đâu cũng có những phố nhà ống, đan xen biệt thự kiểu Nhật, kiểu Tây, kiểu Thái mọc san sát nhau…
Đô thị hoá nông thôn khiến chúng ta đang đánh mất đi không gian, kiến trúc làng quê đặc sắc của văn minh lúa nước, bến nước sân đình, những căn nhà truyền thống truyền thống “ba gian, hai chái”, “năm gian hai chái”, “mái ngói âm dương… đã, đang dần mất đi.
Câu chuyện Phú Quốc vắng bóng khách du lịch thời gian qua do chi phí du lịch quá cao, bị đánh giá thiếu đặc sắc so với các Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan)… là một cảnh báo về “gu” của khách du lịch hiện nay không chỉ đi chỉ đến tắm biển, ăn hải sản và nghỉ dưỡng ở những biệt thự 5 sao mà còn cần được trải nghiệm không gian du lịch đặc sắc, mới lạ của địa phương, vùng đất, con người mong có những ấn tượng đặc sắc, khó phai.
Có thể, mỗi năm chúng ta đã thu hút được hàng chục triệu lượt du khách nước ngoài ghé thăm, tiêu dùng với giá trị cộng hưởng cho nền kinh tế hàng tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so về tài nguyên du lịch và những cơ hội đang sở hữu, chúng ta vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng, chưa biến ngành du lịch Việt vươn tầm với những tài nguyên sẵn có.
“Cơn đau đầu dễ chịu” của người làm du lịch Nhật Bản vì “văn hoá Instagram” của du khách chỉ là một trong rất nhiều điều làm nên sức hút của Nhật Bản trong du khách.
Tuy nhiên, trào lưu mạng này lại có giá trị cuốn hút du khách hơn vạn câu từ, slogan khẩu hiệu đanh thép mang tính chủ quan của những nhà hoạch định chính sách phát triển du lịch.
Trong thời đại xã hội hoá thông tin, mạng xã hội chiếm lĩnh đời sống của nhiều người, hệ quả mà “văn hoá Instagram” mà du khách đến Nhật Bản mang lại cho Việt Nam một chỉ dấu, mách chúng ta cần đa dạng hoá cách thức quảng bá hình ảnh đất nước, con người và giá trị ẩn sâu của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.
Và cũng nhân chuyến “chạm ngõ” của 4.500 du khách Ấn tới Việt Nam, chúng ta sẽ làm gì để họ chụp ảnh, họ giới thiệu, họ cảm thán, tình nguyện làm “đại sứ du lịch” miễn phí trên các trang mạng xã hội về đất nước Việt Nam?
Câu trả lời chỉ có thể là cách chúng ta đón nhận, đối đãi du khách để những chuyến đi kéo dài mãi, không chỉ hàng nghìn mà hàng chục nghìn chuyến đi khác nữa tới Việt Nam.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.