Hơn 6 triệu lượt xem clip streamer người Mỹ bị “chặt chém” ở Việt Nam
Những ngày qua, vụ streamer nổi tiếng người Mỹ IShowSpeed bị một người cho thuê xe điện thăng bằng “chặt chém” 1 triệu đồng cho 5 phút trải nghiệm tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) khiến nhiều người bức xúc.
Sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương đã lập tức vào cuộc. Công an phường Bến Nghé (quận 1, TPHCM) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với V.P.Q.M. (23 tuổi, ngụ quận 4) – người cho thuê xe điện thăng bằng nói trên.
M. bị xử phạt 10 triệu đồng vì sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh dịch vụ cho thuê xe điện thăng bằng và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, M. cũng bị tịch thu xe điện, phương tiện vi phạm.
Sau vụ việc, M. cùng một người liên quan đến vụ việc cho thuê xe cũng đã gặp gỡ đại diện của streamer IShowSpeed để gửi lời xin lỗi và được chấp nhận.
Phía Sở Du lịch TPHCM cũng đau đáu trước vấn nạn “chặt chém” tràn lan. Ngay sau lùm xùm, ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM – đã gặp gỡ và gửi lời xin lỗi đến nam streamer.
Đáng nói, đoạn clip ghi lại cảnh người Việt “chặt chém” nam streamer đến nay đã đạt hơn 6 triệu lượt xem. Trên mạng xã hội, không ít người cho biết họ cảm thấy xấu hổ khi hành vi không đẹp này bị lan truyền mạnh mẽ.
Nhiều người cho rằng nạn “chặt chém”, “hét giá” đã làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam nói riêng cũng như đất nước, con người Việt Nam nói chung.
Khách Việt cũng bị “chặt chém”
Đây cũng không phải lần đầu tiên tình trạng “chặt chém” du khách xuất hiện tại TPHCM. Cách đây không lâu, việc người bán dừa “hét giá” 150.000 đồng/quả bị du khách người Đài Loan “tố” trên mạng xã hội cũng khiến công chúng phẫn nộ.
Thậm chí, khi quay clip người bán dừa, nữ du khách còn giới thiệu rằng: “Bây giờ tôi đang ở cạnh Bảo tàng TPHCM. Tôi sẽ cho các bạn thấy những người bán dừa ở đây họ lừa khách du lịch thế nào”.
Khi xem đoạn clip trên, nhiều người Việt bày tỏ sự xấu hổ, đồng thời cảm thấy tiếc nuối vì công sức xây dựng, phát triển nền du lịch của nước nhà như “đổ sông đổ bể” vì những hành vi trên. Một số người lo ngại rằng khi vấp phải nạn “chặt chém” ở Việt Nam, du khách khó lòng quay trở lại.
Không chỉ du khách, mà người dân, sinh viên từ ngoại ô đến khu trung tâm vui chơi có khi cũng bị “hét giá” gấp đôi, gấp ba.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Minh Thiện (SN 2004, quận 12) cho biết có lần di chuyển vào trung tâm thành phố để làm bài tập, anh đã mua một ly nước cam với giá 50.000 đồng.
“Lỗi của tôi là không hỏi giá trước, cứ nghĩ hàng rong giá cả phải chăng. Có lẽ thấy tôi lớ ngớ nên người bán “hét giá”, tôi cũng đành phải chịu”, anh Thiện nói.
Chị Ngọc Tú (SN 1993, quận 10) – nhân viên văn phòng – cho biết: “Tôi là người Việt Nam, đi du lịch trong nước cũng không tránh khỏi, huống chi khách nước ngoài.
Trong một lần du lịch Hà Nội, tôi bị “chém” phần bánh cuốn nóng với giá 80.000 đồng, dù thực tế phần bánh cuốn đó chỉ khoảng 25.000-30.000 đồng. Không chỉ vậy, khi mua một đôi vớ, tôi cũng bị hét giá 50.000 đồng, dù với chất liệu đó, đôi vớ chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng/đôi”, chị Tú kể.
Chị Tú cho biết, chị sẽ rất e ngại nếu trở lại Hà Nội du lịch. Chị cho rằng bản thân là người Việt còn ngao ngán cảnh “chặt chém”, huống gì du khách nước ngoài.
Trong khi đó, anh Kim Tùng (SN 1993, quận 10) cho rằng Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng lại vướng nạn “chặt chém”, buôn bán giá cả không rõ ràng.
“Khi tôi đi du lịch ở Thái Lan, tôi thấy các khu vực mua sắm đa phần đều niêm yết giá, nhiều nơi bán hàng rong cũng không hét giá cao nên cảm thấy rất yên tâm”, anh Tùng nói.
Vì sao nạn “chặt chém” mãi không dứt?
Nhiều người nhận định, vấn nạn “chặt chém” diễn ra dai dẳng, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch cũng vì mức xử phạt người vi phạm còn quá nhẹ. Thực tế, các trường hợp nâng giá, không niêm yết giá, người vi phạm chỉ bị phạt hành chính từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Có ý kiến cho rằng, cần phạt thật nặng để không ai dám tái phạm, bởi một hình ảnh nhỏ, xuất hiện chóng vánh trên mạng xã hội cũng có thể làm hàng triệu du khách nước ngoài dè chừng, e ngại và không chọn Việt Nam làm điểm đến.
Một tài khoản trên mạng xã hội đề xuất: “Nên cho những người vi phạm lao động công ích một thời gian để họ ghi nhớ mà không tái phạm”.
Nói về các giải pháp trọng tâm nhằm xử lý tình trạng “chặt chém”, ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam – từng đề xuất 3 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, mỗi du khách trước hết hãy là một người tiêu dùng thông minh. Trước khi mua bất cứ một sản phẩm/dịch vụ nào, du khách nên hỏi kỹ thông tin về giá, rồi mới quyết định có thực hiện giao dịch hay không?
Thứ hai, tại các điểm du lịch, cơ quan chức năng nên yêu cầu người bán đăng ký thông tin sản phẩm, niêm yết công khai giá bán để khách hàng “thuận mua vừa bán”.
Thứ ba, các lực lượng chức năng từ tổ dân phố, công an, chính quyền địa phương… cần vào cuộc và quản lý chặt chẽ, đồng thời ban hành các tiêu chí, quy định xử phạt hành chính.
Nếu phát hiện hành vi vi phạm hoặc nhận được phản ánh từ du khách, các lực lượng cần kiên quyết xử lý mạnh để răn đe những người bán khác.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, phía Sở Du lịch TPHCM cũng cho biết hằng tháng, hằng quý cũng như trong các dịp lễ lớn, đơn vị đều có công văn gửi các doanh nghiệp cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở ăn uống, mua sắm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, không để xảy ra tình trạng tăng giá, ép giá và tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM – nhấn mạnh phía Sở Du lịch luôn kết hợp sát sao với cơ quan chức năng, để xử lý kịp thời những tình huống “chặt chém” du khách, để tránh gây ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của thành phố.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.