Theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa về phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán lập đề án xây dựng Bảo tàng Alexander Yersin, bảo tàng này sẽ là trung tâm lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu khoa học; sưu tầm, trưng bày và giới thiệu những di sản của nhà bác học A. Yersin (1886 – 1943).
Bảo tàng A. Yersin sẽ là một công trình kiến trúc độc đáo, phục vụ công chúng và tạo điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch đến với Nha Trang.
Địa điểm xây dựng Bảo tàng A. Yersin là tại chính khu đất lầu ông Tư (nơi người dân Nha Trang xưa thường gọi) bên biển Nha Trang.
Hiện nay, đó là khu vực nhà khách 378, giáp ranh với công viên A. Yersin trên đường Trần Phú.
Toàn bộ khu đất có tổng diện tích 5.787m2, sẽ được quy hoạch xây dựng với mật độ tối đa không quá 40%, cả bảo tàng sẽ có tổng diện tích sàn khoảng 10.000m2.
Về kiến trúc, theo đề cương đã được phê duyệt, Bảo tàng A. Yersin sẽ mang nét đặc trưng gắn liền với di sản văn hóa nhà bác học A. Yersin, gắn liền với ký ức của người dân Nha Trang đối với ông trên mảnh đất này.
Do đó, công trình Bảo tàng A. Yersin sẽ được thiết kế kiến trúc mô phỏng hình ảnh lầu ông Tư tại xóm Cồn xưa kia, cũng nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân TP Nha Trang về việc khôi phục lầu ông Tư.
Việc xây dựng Bảo tàng A. Yersin, theo đề cương, sẽ được thực hiện theo bảy dự án thành phần, thực hiện từ năm 2024 – 2030.
Trong đó, việc tổ chức thi tuyển kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình Bảo tàng A. Yersin sẽ được thực hiện trong hai năm, từ năm 2025 – 2027.
Nguồn vốn đầu tư xây dựng Bảo tàng A. Yersin bao gồm vốn nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa được tỉnh giao chủ trì lập báo cáo chủ trương đầu tư dự án, xây dựng và triển khai thực hiện đề án xây dựng Bảo tàng A. Yersin. Còn Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa được giao làm chủ đầu tư dự án.
Những di tích lưu niệm cấp quốc gia về nhà bác học A. Yersin
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, bác sĩ A. Yersin đến Nha Trang từ năm 1891, sau đó sống và làm việc tại Nha Trang tới khi mất (năm 1943). Ông đã để lại di nguyện “Hãy chôn tôi ở Suối Dầu, đừng để ai mang tôi đi” nơi khác.
Nhiều cống hiến của nhà bác học A. Yersin đã được thế giới ghi nhận.
Quần thể di tích tại Khánh Hòa, gồm mộ nhà bác học A. Yersin (tại khu trang trại Suối Dầu), chùa Linh Sơn (nơi có đặt bàn thờ A. Yersin ngày sau khi ông mất đến nay, tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) và thư viện A. Yersin (nằm trong Viện Pasteur Nha Trang) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào năm 1990.
Tháng 6-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận, bổ sung địa điểm nhà làm việc của A. Yersin trên núi Hòn Bà vào quần thể di tích lưu niệm.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.