Đà tăng trưởng doanh số bán lẻ trong năm 2024 phần lớn vẫn ổn định với mức tăng 7,1% vào tháng 10, đưa mức tăng trung bình từ đầu năm đến nay ở mức 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu so với năm 2023, mức tăng đạt 10,4%.
Theo nhận định của các chuyên gia Ngân hàng UOB trong báo cáo mới nhất, tăng trưởng của bán lẻ được hỗ trợ một phần bởi mức tăng 41% về lượng khách du lịch quốc tế, lên tới 14,1 triệu lượt khách tính từ đầu năm đến tháng 10-2024.
Trong đó, sự gia tăng từ các nguồn khách du lịch hàng đầu bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, khu vực Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản. Du khách đến Việt Nam tăng vọt không chỉ tạo động lực cho ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, mà còn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, bao gồm thời trang, mỹ phẩm, và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Đại diện Satra, đơn vị bán lẻ đang có các cửa hàng của Thương xá TAX trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, và Phan Chu Trinh…, cho biết từ đầu năm đến nay các cửa hàng thường xuyên tiếp đón 30-40 đoàn du khách mỗi tháng.
Ngoài mua sắm đặc sản Việt Nam, khách cũng tham gia workshop làm sô cô la thủ công hay dùng thử các loại bánh mứt truyền thống. “Gần đây, nhóm du khách Ấn Độ tăng cao, chúng tôi cũng trang bị thêm kỹ năng chào hỏi, tặng quà phù hợp để tạo sự thoải mái, ấn tượng với du khách”, đại diện cửa hàng cho biết.
Ngoài việc hệ thống quà tặng, siêu thị cửa hàng tiện lợi hiện diện nhiều hơn, thì du khách cũng được hỗ trợ các phương thức thanh toán khác nhau. Theo các công ty dịch vụ, lữ hành trong nước, mức tăng trưởng sẽ cao hơn khi Việt Nam đã bước vào mùa cao điểm khách quốc tế, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, so với sự bùng nổ trước giai đoạn dịch COVID vào năm 2019, du lịch Việt Nam vẫn cần thêm từ một đến hai năm nữa để trở lại mức 18 triệu lượt của trước đại dịch. Hiện các địa phương đều tăng cường dịch vụ, sản phẩm để kéo dài thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của du khách thông qua các sự kiện, lễ hội mua sắm cuối năm.
GDP 2024 đạt 6,4%
Với tình hình hiện nay, các chuyên gia của UOB duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam ở mức 6,4%, với dự báo kết quả tăng trưởng quý 4-2024 đạt mức 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
UOB cũng dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 18%. Đây sẽ là năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2021. FDI thực tế đạt 19,6 tỉ USD, đang trên đà thiết lập kỷ lục năm thứ ba liên tiếp.
Đối với năm 2025, định chế tài chính này dự đoán tốc độ tăng trưởng là 6,6%. Quốc hội Việt Nam đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7,0% cho năm 2024 và 6,5-7,0% cho năm 2025, trong khi “nỗ lực” để đạt mức 7,0-7,5%.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với rủi ro đến từ căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt nếu Mỹ tái áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại dưới nhiệm kỳ Trump 2.0. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng từ 39,5 tỉ USD năm 2018 lên gần 105 tỉ USD năm 2023. Đây là một yếu tố có thể gây áp lực lên nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Với dự báo căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng dưới thời Trump 2.0 và sức mạnh của đồng USD đi kèm là mối lo ngại đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức thấp, dưới 4,5% kể từ tháng 6-2023.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.