Theo NBC News, Yagi là cơn bão lớn nhất ở châu Á trong năm 2024. Chỉ sau vài ngày, Yagi đạt trạng thái siêu bão, càn quét nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở các quốc gia châu Á, trong đó có Philippines, Trung Quốc và Việt Nam.
Bão Yagi đổ bộ vào Philippines tối 1/9, gây ra lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều khu vực trước khi rời nước này vào ngày 3/9. Theo MNS, hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt vào ngày 2/9. Tiếp đến, 34 chuyến bay nội địa bị hủy và du lịch đường biển ở một số cảng tại Philippines cũng bị hạn chế.
Theo ước tính ban đầu, quốc gia này thiệt hại về cơ sở hạ tầng khoảng 4 triệu USD, tổn thất trong lĩnh vực nông nghiệp là 77.000 USD.
Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển Philippines cùng các cơ quan chính quyền địa phương đã cung cấp lượng thực phẩm và các hỗ trợ phi thực phẩm với tổng giá trị hơn 1,6 triệu USD tới những khu vực bị ảnh hưởng.
Sau khi rời khỏi Philippines, Yagi trở thành siêu bão vào ngày 4/9. Ngay sau đó, siêu bão đổ bộ thẳng tới tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió lên tới 234km/h. Lúc này, siêu bão mạnh gấp đôi so với thời điểm đi qua Philippines.
Hải Nam vốn được mệnh danh là “Hawaii của Trung Quốc”. Nơi đây tự hào với những bãi biển đầy cát, có khu vực lướt sóng, khu nghỉ dưỡng năm sao và khu mua sắm xa xỉ miễn thuế.
Nhằm đảm bảo an toàn trước khi siêu bão đổ bộ, chính quyền phải sơ tán khoảng 460.000 người trên đảo, chủ yếu là khách du lịch và ngư dân. Toàn bộ mọi hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại đây phải tạm dừng bao gồm cả dịch vụ đường sắt cao tốc quanh đảo và đóng cửa sân bay.
Các đại lý du lịch cũng tuyên bố tạm dừng mọi tour đến hòn đảo này. Các khu thiên đường mua sắm miễn thuế nổi tiếng của hòn đảo đều đóng cửa.
Tại sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu, 52 chuyến bay đã bị hủy và 5 chuyến bay bị hoãn khi cơn bão đổ bộ vào khu vực. Sân bay quốc tế Phượng Hoàng Tam Á có 28 chuyến bay bị hủy và 3 chuyến bị hoãn.
Với hàng trăm chuyến bay bị hoãn hủy trên khắp khu vực, nhiều hành khách bị mắc kẹt ở sân bay. Họ buộc phải kéo dài thời gian lưu trú trong thời gian bão đổ bộ và được chính quyền địa phương hỗ trợ.
Sau bão, chính quyền tỉnh Hải Nam cho biết, sức tàn phá của Yagi vượt quá sức tưởng tượng, thiệt hại 1,67 tỷ USD cho ngành nông ngư nghiệp, du lịch tại địa phương. Thiên tai này đã khiến 4 người chết và 95 người bị thương, với tổng số 526.100 người ở 19 thành phố và huyện ở tỉnh Hải Nam bị ảnh hưởng.
Khi suy yếu tại Trung Quốc, siêu bão tiếp tục hướng thẳng tới Việt Nam. Ngành du lịch của nhiều tỉnh thành miền bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi bão tan, nhiều tỉnh ở khu vực miền núi phía bắc tiếp tục chịu hoàn lưu bão gây ra tình trạng mưa lớn, sạt lở đất rất nặng nề.
Quảng Ninh, Hải Phòng là những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, ghi nhận thiệt hại lớn. Hàng loạt các điểm đến nổi tiếng từ Hạ Long, Bãi Cháy, đảo Cô Tô tới đảo Bạch Long Vĩ, Đồ Sơn đều bị tàn phá nghiêm trọng, tạm dừng mọi hoạt động du lịch.
Cùng với đó, sau khi siêu bão Yagi qua đi, hoạt động du lịch ở nhiều tỉnh thành phía bắc đang rơi vào trạng thái tê liệt.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang… bị ngập úng.
Ngày 8/9, UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) thông báo dừng mọi hoạt động du lịch ngoài trời cho đến khi có thông báo mới. Khu du lịch Cát Cát cũng ghi nhận tình trạng sạt lở nghiêm trọng, và các hoạt động đã bị ngừng cùng thời điểm kể trên.
Vào thời điểm này trong năm là lúc thị trường du lịch phía Bắc bước vào giai đoạn sôi động với tour ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín hay nhảy dù, năm nay các đơn vị lữ hành buộc phải hoãn hủy tour tuyến. Thời gian khắc phục dự kiến kéo dài.
“Thiệt hại về kinh tế là điều chắc chắn. Nhưng chúng tôi vẫn cần đặt sự an toàn của du khách lên hàng đầu”, bà Yến Lê, đơn vị chuyên cung cấp tour và combo du lịch các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, cho biết.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.