Khơi gợi lòng yêu nước cho con bằng cách… đi phượt
Cuối tháng 7, chị Dương Thị Kim Cảnh (SN 1985, Thái Nguyên) cùng con trai là bé Giàng (tên thật là Dương Phúc Bảo, sinh năm 2020) thực hiện chuyến phượt kéo dài 11 ngày, trước khi bé bước vào năm học mới.
Trong chuyến đi này, chị Cảnh đưa bé Giàng trở lại những địa điểm mà hai mẹ con đã đi qua cách đây hai năm. Hai mẹ con đi dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (đường Tây Trường Sơn), thăm lại các di tích lịch sử.
Cung đường này khá vắng vẻ, không có hàng quán hay sóng điện thoại. Song, chị Cảnh và con cứ thong dong trên chiếc xe cũ, từ Phong Nha – Kẻ Bàng qua Động Thiên Đường (Quảng Bình) rồi đến Khe Sanh (Quảng Trị).
“Lần này, chúng tôi gặp mưa rừng rất lớn, không có chỗ trú. Tôi là người dân tộc Dao, sống ở miền núi, nên cũng lường trước được cơn mưa này sẽ không có gió hay sấm sét. Trời mưa, mẹ con tôi trú dưới tán cây, tạnh mưa rồi đi tiếp”, chị Cảnh nhớ lại.
Chị cho biết bản thân cũng là người đi phượt chuyên nghiệp, nên luôn có sự tìm hiểu, chuẩn bị để ứng phó với các trường hợp rủi ro. Lần này đi hơn 10 ngày, nhưng chị quyết định không mang lều trại.
“Nếu đi một mình, tôi có thể dựng lều ven đường để ngủ ở bất cứ đâu, nhưng đi cùng con, tôi ưu tiên ở khách sạn, nhà nghỉ. Đi một mình có thể ứng phó với những sự cố bất ngờ, chứ có con nhỏ thì khó lắm. Tôi nhiều lần ngủ lều với các đội nhóm, còn hai mẹ con tự mình ngủ lều thì chưa”, chị lý giải.
Tuy nhiên, để bé Giàng có nhiều trải nghiệm, chị Cảnh cũng nghiên cứu kỹ lưỡng địa điểm, cũng như trưng cầu ý kiến của người địa phương, để chọn các khu vực an toàn, dựng lều để hai mẹ con nghỉ ngơi trong thời gian ngắn.
Bé Giàng hào hứng cùng mẹ trải nghiệm cái di tích lịch sử của đất nước (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hiện bé Giàng đã nói “sõi” và hiểu biết rõ những gì mẹ muốn truyền đạt. Sau chuyến đi này, bé biết về biển, bom đạn, những vị anh hùng của đất nước – những điều chị Cảnh đã kể cho con nghe trong suốt chặng đường đi.
“Ở tuổi này, con hỏi rất nhiều, mỗi lần gặp cái mới con còn liên tưởng lại cái cũ. Khi tôi đưa con vào sân bay Tà Cơn (Quảng Trị), con thấy máy bay, liền liên tưởng đến máy bay Mỹ bị quân đội Việt Nam bắn hạ. Khi thấy nhà rông, con cũng vui vẻ nhắc với mẹ về anh hùng Núp – người con ưu tú của Tây Nguyên. Đặc biệt, con luôn nhớ đến Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, chị Kim Cảnh cho hay.
Xuyên suốt hành trình, chị Cảnh và con giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Dao. Chị kể cho con nghe nhiều điều vẻ vang, oai hùng của lịch sử, giới thiệu cho con biết vai trò to lớn của tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh.
Theo chị, chuyến đi này là hành trình để con biết nhớ ơn, biết thêm về những chiến công của các anh hùng dân tộc đã hy sinh cho tổ quốc.
4 tuổi đã khám phá 63 tỉnh thành của Việt Nam
Chị Cảnh cho biết từ khi con 18 tháng tuổi, chị đã đưa con đi khắp nơi bằng nhiều loại phương tiện khác nhau. Hai mẹ con cứ đi và khám phá thiên nhiên, hòa nhập vào những vùng khí hậu, thời tiết khác biệt. Theo chị, đó chính là một trong những cách khiến bé Giàng khôn lớn, trưởng thành hơn.
Chị nói: “Khi con còn bé, tôi đưa con đi chỉ để rèn luyện thể lực cho con theo nhiều điều kiện môi trường, thời tiết khác nhau, thử thách sức khỏe của con. Còn khi con lớn hơn, tôi đưa con đi để dạy dỗ, rèn tình yêu nước cho con qua từng chặng đường của đất nước, gắn cho tuổi thơ con nhiều kiến thức, kỷ niệm, giúp con thấm thía hơn về lịch sử nước nhà”.
Bé Giàng được mẹ đèo đi phượt từ lúc 18 tháng tuổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Dù mới 4 tuổi, nhưng bé Giàng đã có “gia tài” hơn 10 chuyến đi cùng mẹ, khám phá hết 63 tỉnh thành của Việt Nam. Bé được trải nghiệm đủ loại thời tiết từ 0 đến 44 độ C, từ mưa lạnh đến nắng gắt để rèn luyện sức khỏe, thưởng thức đồ ăn của nhiều địa phương, khám phá những điều mới mẻ.
Chỉ trong năm nay, bé Giàng đã cùng mẹ thực hiện 3 chuyến đi. Trong đó, bé được thăm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (Gia Lai), Khu chứng tích Sơn Mỹ (hay Khu chứng tích Mỹ Lai, Quảng Ngãi), Khu di tích Ngã 3 Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị), đường Tây Trường Sơn và một số di tích lịch sử dọc quốc lộ 1A.
Nói về sở thích khám phá, chị Cảnh cho biết cách đây hơn 10 năm chị đã thường xuyên đi đó đây. Tuy nhiên, do bị say xe nặng nên lúc nào chị cũng ưu tiên di chuyển bằng xe máy chứ không đi xe khách. 10 năm qua, mỗi năm chị đều có 3-4 chuyến đi, nên không thể nắm được số lần mình đi phượt.
Hằng năm, chị Cảnh luôn sắp xếp để cùng con thực hiện những chuyến đi ngắn ngày và dài ngày. Có lúc, chị đưa con đi 2 ngày 1 đêm, có lúc chị cùng con đi từ Bắc vào Nam, từ quê nhà Thái Nguyên đến đất mũi Cà Mau.
Nếu đi một mình, chị Cảnh có thể di chuyển hoàn toàn bằng xe máy. Khi có bé Giàng, chị thường chia chuyến đi của mình thành các chặng ngắn hơn, đồng thời tận dụng nhiều phương tiện di chuyển để tiết kiệm thời gian, bởi bé Giàng còn bận học, không thể nghỉ lâu.
“Nếu có con đi cùng, tôi phải đi 2 chặng, đi từ Bắc đến Huế, sau đó trở về, đi xe khách đến Quảng Trị rồi mới tiếp tục đi xe máy vào Nam. Sau đó tôi lại đi xe máy trở về Quảng Trị, rồi từ Quảng Trị đi xe khách về nhà”, chị Cảnh cho hay.
Khi được hỏi về kinh phí để phục vụ đam mê du lịch, chị Cảnh cho biết mình làm nghề thuốc Nam gia truyền. Ngoài ra, chị còn có những lớp dạy tiếng Dao theo đợt tại địa phương.
Trong các chuyến đi phượt cùng con trai, chị Cảnh dự trù kinh phí 400.000-600.000 đồng/ngày. Hai mẹ con thường chọn lưu trú ở các phòng nghỉ có giá 100.000-150.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, do có bạn bè ở khắp nơi và được nhiều người yêu mến, chị Cảnh và con thường được mời ngủ, nghỉ, ăn uống miễn phí.
Chiếc xe máy của chị Cảnh cũng không tốn quá nhiều xăng, nên kinh phí dự trù của hai mẹ con là thế chứ nhiều lúc cũng không tiêu hết.
“Hiện tại và mãi về sau, tôi sẽ cố gắng đưa con đi nhiều nơi hơn, để con biết đến nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử của đất nước hơn. Đặc biệt, tôi muốn con thấm thía những chiến công rực rỡ của những anh hùng, từ đó biết nhớ ơn, thêm yêu và tự hào về đất nước, con người, dân tộc Việt Nam”, chị Cảnh cho hay.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.