Ông Lê Quốc Phong – bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – đặt ra vấn đề tại hội nghị sơ kết về phát triển kinh tế xã hội ba thành phố Cao Lãnh, Hồng Ngự, Sa Đéc giai đoạn 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, diễn ra ngày 21-8.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, tổng vốn huy động từ ngân sách nhà nước cho ba thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự lần lượt là 11.300 tỉ đồng, 3.400 tỉ đồng và 3.700 tỉ đồng.
Vốn hỗ trợ riêng cho các thành phố là 1.600 tỉ đồng trong đó: thành phố Cao Lãnh 500 tỉ đồng, thành phố Hồng Ngự 700 tỉ đồng và thành phố Sa Đéc 400 tỉ đồng.
Nhìn chung các thành phố có nhiều cơ hội và tiềm năng, một số chỉ tiêu đạt và vượt, dẫn đầu tỉnh về thu ngân sách và số doanh nghiệp thành lập mới, đứng thứ hạng tốt nhất về cải cách hành chính.
Tuy nhiên về chỉ tiêu đô thị có giảm tỉ lệ, diện tích đô thị chưa đạt theo yêu cầu đô thị loại I, II;
Công tác quy hoạch ở thành phố Hồng Ngự, thành phố Cao Lãnh còn chậm, chưa thu hút; một số tiêu chuẩn của đô thị loại I chưa đạt về quy mô dân số, hạ tầng kiến trúc, đô thị xanh ứng dụng công nghệ cao…
Riêng thành phố Hồng Ngự tỉ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 2,3%, cao hơn tỉ lệ bình quân của toàn tỉnh.
Ông Lê Quốc Phong – bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – đánh giá tiềm năng của ba thành phố trọng điểm của tỉnh rất cao, kinh tế phát triển, nhưng thu nhập bình quân chưa cao; các dự án đầu tư mới, cơ hội thu hút thêm chưa nhiều.
Ngoài sự cố gắng của từng địa phương cũng cần phải có sự tham gia của sở, ngành và đôn đốc của UBND tỉnh; sử dụng nguồn vốn phải tính toán, tận dụng từng cơ hội.
“Ba thành phố đã có nhiều mô hình cách làm mới, sáng tạo, có những hoạt động kiểu mẫu như những lễ hội ngành hàng như Festival hoa kiểng Sa Đéc, lễ hội sen, lễ hội xoài, lễ hội cá tra… từ đó lan ra nhiều địa phương khác.
Vậy các địa phương đã tận dụng dư địa phát triển sau các lễ hội ra sao, hay đến hẹn lại lên rồi ngồi chờ đến lần sau, các thành phố phải tính toán, là bài học về đổi mới sáng tạo”, ông Phong phân tích.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho rằng thời gian qua việc thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho dự án còn rất chậm trong khi nguồn lực đã được phân bổ trước; trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo điều hành chưa cao, còn có hiện tượng đùn đẩy, tránh né công việc.
“Tôi mong rằng trong thời gian tới không còn hiện tượng này nữa và chúng ta nên thẳng thắn với nhau là ngành nào còn trì trệ, còn né các vị báo cáo trực tiếp. Cần thể hiện được trách nhiệm người đứng đầu, thống nhất trong chỉ đạo và hành động, không đổ trách nhiệm cho nhau.
Nghị quyết Trung ương, của Tỉnh ủy đã đề ra và chỉ đạo thực hiện thì các ngành phải xây dựng kế hoạch và quyết tâm thực hiện, còn lại những vấn đề khó khăn thì người đứng đầu ngành phải có báo cáo, đề xuất rõ ràng để thực hiện cho bằng được các mục tiêu đã đề ra”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.