Theo các doanh nghiệp, nếu có sản phẩm tốt và biết cách làm mới công tác xúc tiến quảng bá, Việt Nam vẫn có lợi thế đón khách Nhật quay trở lại.
Du khách Nhật hồi phục chưa như kỳ vọng
Nhiều năm qua, khách sạn Majestic (TP.HCM) – công trình có lối kiến trúc cổ kính với bề dày lịch sử gần 100 năm, có tầm mắt “ôm trọn” dòng sông Sài Gòn sôi động – là điểm đến của nhiều du khách Nhật. Khách sạn này cũng dành một căn phòng để trưng bày những vật dụng của một nhà văn Nhật từng lưu trú ở đây như một sự “ưu ái” đặc biệt với các vị khách đến từ xứ sở mặt trời mọc.
Ông Võ Văn Nhanh – giám đốc khách sạn Majestic Saigon – cho biết du khách Nhật Bản rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của khách sạn, chiếm gần 40% lượng khách lưu trú ở đây mỗi năm.
“Khách Nhật khó tính và tinh tế, hoài cổ nên bị hấp dẫn bởi kiến trúc tráng lệ lâu đời của khách sạn. Ngoài ra, vị trí bên bờ sông Sài Gòn cũng là điểm nhấn khó bỏ qua”, ông Nhanh nói.
Trong khi đó khách sạn Grand Saigon, với kiến trúc cổ điển hình chóp “củ hành”, cũng là lựa chọn quen thuộc với nhiều du khách Nhật Bản. Bà Đặng Thị Hà Phương, phó phòng kinh doanh khách sạn này, thông tin 8 tháng đầu năm 2024 khách Nhật chiếm hơn 10% tổng lượt khách quốc tế đến lưu trú tại khách sạn. Dự tính đến cuối năm 2024, lượt khách Nhật có thể đạt mức hồi phục cao hơn năm ngoái.
“Theo báo cáo của kênh OTA Rakuten, du khách Nhật đến với khách sạn Grand Saigon nhiều nhất vào các tháng cuối năm. Khác với việc chọn đi du lịch một mình như trước, trong năm vừa qua, du khách Nhật giảm đi du lịch một mình, thay vào đó là xu hướng đi cùng gia đình, đi theo nhóm tăng hơn”, bà Hà Phương phân tích.
Các khách sạn cũng ghi nhận qua những nền tảng công nghệ du khách Nhật đã phản hồi tích cực trong quá trình lưu trú tại khách sạn ở TP.HCM so với các đối thủ cùng khu vực.
Tuy vậy, theo dữ liệu của Tổ chức Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO), trong 8 tháng đầu năm nay đã có gần 8,3 triệu người Nhật Bản xuất cảnh. Trong đó, riêng thị trường Việt Nam đạt khoảng 461.000 lượt khách Nhật nhập cảnh, tương đương đạt 79% so với 2023.
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2024, khách Nhật Bản đến Việt Nam dù nằm trong top 10 thị trường gửi khách lớn nhất nhưng chỉ xếp thứ 5 với 461.000 lượt khách.
Trong khi từ trước đến nay, Nhật Bản luôn là một trong những thị trường khách quan trọng của du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm ba thị trường đóng góp số lượng khách lớn nhất, bên cạnh Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tìm cách thu hút khách Nhật Bản
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Mạnh Đăng, tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch Apex Việt Nam, cho rằng cần có cái nhìn chân thực hơn về các con số, và không nên quá bi quan hay lo lắng khi số lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng.
“Lượng khách Nhật sẽ còn tăng cao thời gian tới, bởi mùa cao điểm khách Nhật từ tháng 10 kéo dài cho đến hết tháng 3 năm sau. Đây là một tín hiệu tốt, làm cơ sở tiền đề cho Việt Nam hướng đến con số cao hơn từ thị trường này. Vấn đề là phải có sản phẩm vừa kéo dài thời gian lưu trú cũng như nâng cao chi tiêu của du khách Nhật”, ông Đăng nhận xét.
Từ sau dịch COVID-19 đến nay, chi phí du lịch tại Việt Nam mặc dù không quá đắt đỏ nhưng đã không còn rẻ như trước. Theo ước tính, một chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm (dòng tour Free & Easy) tại Việt Nam cho du khách Nhật Bản có tổng chi phí vào khoảng 102.000 yen, cao hơn Hàn Quốc và Thái Lan.
Điều này là do giá vé máy bay, lưu trú và các chi phí khác tại Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây. Trong khi đó, điểm đến Việt Nam đang đối mặt với nhiều hạn chế trong việc thu hút khách du lịch Nhật Bản do thiếu sản phẩm mới, xu hướng đi du lịch thay đổi khiến vai trò của các công ty du lịch truyền thống giảm đi đáng kể.
Có kinh nghiệm thu hút, phục vụ khách quốc tế, trong đó có khách Nhật Bản, ông Phạm Huy Bình – chủ tịch HĐTV Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) – cho rằng xu hướng du lịch tự túc cũng khiến thị trường phải đối mặt với nhiều thách thức khi cạnh tranh thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là thu hút thị trường khách Nhật Bản.
Trong thực tế, theo ông Bình, ngoài sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong và ngoài nước, sự đa dạng về nhu cầu của du khách Nhật Bản và đồng yen Nhật giảm quá sâu cũng ảnh hưởng nhiều đến lượng khách Nhật Bản du lịch nước ngoài.
“Bên cạnh đó, khách Nhật Bản là một thị trường du lịch lớn và có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch đa dạng và phù hợp với văn hóa” – ông Bình nói. Ông cho biết, những tháng cuối năm mới là giai đoạn cao điểm “chạy nước rút” và tình hình kinh doanh, cạnh tranh không hề đơn giản.
Nhu cầu của du khách Nhật Bản luôn thay đổi theo thời gian, đòi hỏi Saigontourist Group phải liên tục cập nhật và điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và cao của khách.
“Mùa cao điểm khách Nhật từ tháng 10 kéo dài đến hết tháng 3 nên cơ hội dành cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy thị trường này vẫn còn rất nhiều”, ông Bình nhìn nhận.
Đi tìm sản phẩm du lịch hấp dẫn khách Nhật Bản
Chiều 24-9, tại khách sạn Majestic (quận 1, TP.HCM) sẽ diễn ra hội thảo “Thúc đẩy du lịch Việt – Nhật: Sức hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch độc đáo”. Hội thảo do báo Tuổi Trẻ và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đồng tổ chức, với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp để thu hút khách quốc tế, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại và du lịch giữa hai nước.
Chương trình có sự tham gia của đại diện Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM; các doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành hàng đầu Việt Nam; chuyên gia và người am hiểu du lịch Nhật Bản. Các bên sẽ chia sẻ những biện pháp nhằm khai thác hiệu quả và tăng tốc thị trường khách quốc tế, đặc biệt là thị trường khách Nhật Bản. Đại diện Sở Du lịch TP.HCM sẽ chia sẻ những sự thay đổi của thị trường Nhật Bản trong top 10 thị trường khách quốc tế của thành phố.
Chuyên gia người Nhật chia sẻ về hành vi tiêu dùng mới của khách du lịch, cùng các giải pháp đề xuất từ các công ty du lịch, lữ hành để đón đầu lượng khách quốc tế trong những tháng cuối năm. Hội thảo cũng đề cập đến cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông qua các công cụ số, mạng xã hội như một giải pháp tất yếu.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.