Chiều 7/9, khi cơn bão số 3 Yagi di chuyển sâu vào đất liền, khu vực TP Hà Nội đã có những thiệt hại ban đầu về tài sản. Đáng chú ý, nhiều cây đa cổ thụ trong đó có cây đa bên đền Bà Kiệu đã bị bật gốc trước sức gió mạnh và tàn phá của bão Yagi.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, NSƯT Quốc Khanh – Nhà hát Múa rối Thăng Long – cho biết, 15h chiều anh lên cơ quan, cây bằng lăng bên kia đường chỗ tượng đài Cảm Tử nhìn sang đổ chắn ngang Hàng Dầu. Cây cối xung quanh hồ Gươm cũng đổ ngã hàng loạt.
Đến 16h, diễn xong một vở thì anh nhận được thông tin cây đa bên đền Bà Kiệu đổ ập xuống mái quán cafe ngã ba Hàng Dầu – Lò Sũ.
Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối trước hình ảnh cây đa cổ thụ bên đền Bà Kiệu bị bật gốc.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ: “Rất đáng tiếc! Khu vực này còn có các di tích tượng đài Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, Tháp Bút và đền Ngọc Sơn. Đây là một trong những địa điểm đẹp và linh thiêng bậc nhất tại trung tâm Hà Nội. Mong sao “cứu” được “cụ” cây”.
Cây đa bên đền Bà Kiệu vốn không có định danh cụ thể, nhưng người dân xung quanh thường gọi bằng cái tên “cây đa đền Bà Kiệu” hoặc “cây đa Hồ Gươm”, mọc gần khu vực tượng đài Cảm Tử, gần phố Lò Sũ. Không ai biết cây đa mọc từ bao giờ, chỉ biết khi xây dựng đền Bà Kiệu vào đầu thế kỉ 17, cây đã sừng sững ở đó.
Cây đa cổ thụ có lớp vỏ bên ngoài xù xì thô cứng, được bao phủ chằng chịt bởi những chiếc rễ chắc khỏe. Những rễ này cắm sâu xuống đất, tạo một hàng rào chắc chắn xung quanh thân cây.
Đền Bà Kiệu là ngôi đền cổ có giá trị đặc biệt về lịch sử cũng như tín ngưỡng. Hình ảnh của ngôi đền luôn gắn với hình bóng cây đa cổ thụ có tuổi đời cao nhất nhì ở Hà Nội.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, cây đa cổ thụ cạnh đền Bà Kiệu từng làm bóng mát che chở cho những người dân, du khách vãn cảnh hồ Gươm.
Trước đó, ảnh hưởng của cơn bão Yagi, mưa lớn kèm gió mạnh “quật ngã” người đi đường ở Hà Nội. Nhiều cây xanh bật gốc đổ la liệt khắp đường phố.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.