Quảng Nam – Ngay khi diện mạo mới của Chùa Cầu ở Hội An lộ diện, nhiều du khách nổ ra tranh luận di tích trông “mới lạ” và “rất trẻ” so với trước.
Anh Lê Huy Tuấn, 45 tuổi sống tại Đà Nẵng, đến Hội An sáng 28/8, cảm thấy “hụt hẫng” khi chứng kiến diện mạo của Chùa Cầu sau khi trùng tu. Anh cho rằng di tích lạc lõng giữa lòng phố cổ. “Công trình nào ở Hội An trùng tu cũng mới như vậy thì phố hết cổ luôn”, anh Tuấn nói.
Một du khách khác sống tại Quy Nhơn nhận xét “kết cấu cũ mới chồng chéo lên nhau, giả cổ không ra mà mới cũng không phải”.
Cùng chung ý kiến, anh Bùi Phước Quang, 42 tuổi, cư dân Hội An, nói “diện mạo này quá mới” so với lần trùng tu trước đó vào năm 1996.
Du khách chụp ảnh trước Chùa Cầu chiều 28/7. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An
Theo ghi nhận của VnExpress, trong sáng 28/7, Chùa Cầu mới, sáng hơn bởi màu sơn, các chi tiết trên bờ nóc, bờ quyết các hoa văn trang trí, hán tự được viết và sơn quét lại. Mái được lợp đan xen ngói cũ và ngói mới. Phần trụ cột di tích gần như giữ nguyên, sơn màu gỗ. Bên trong di tích, một số khung gỗ hư hỏng, mục rỗng trước đó đã được thay mới hoàn toàn.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần của một cuộc “giải phẫu và chữa bệnh” cẩn trọng, tỉ mỉ, khoa học, từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích. Đơn vị đã thu thập, nghiên cứu thông tin, tư liệu; thám sát địa tầng, phân tích dấu vết kiến trúc qua các thời kỳ để phục vụ tu bổ. Trong quá trình thực hiện, công tác tham vấn chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân đối với những vấn đề vướng mắc nảy sinh luôn được chú trọng, thực hiện thường xuyên. Quá trình trùng tu, trung tâm đã từng dừng tiến độ một năm để tham vấn kiến trúc mặt cầu “cong hay phẳng” do có nhiều tranh cãi liên quan đến mặt cầu và các chi tiến dầm, giàn.
Ông Ngọc cho biết thêm công tác khảo sát, đánh giá thực trạng di tích được thực hiện bằng các hình thức quay phim, chụp ảnh; rập giấy dó với văn bia, liễn đối, đồ án trang trí kiến trúc; vẽ ghi hiện trạng kiến trúc; số hóa di tích bằng công nghệ 3D nhằm tạo cơ sở dữ liệu khoa học để đưa ra các giải pháp, hình thức tu bổ phù hợp với từng hạng mục, kết cấu của công trình.
Đại diện đơn vị phụ trách trùng tu nói quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được gìn giữ ở mức tối đa có thể. Từ thanh đá, viên gạch ngói đến cấu kiện gỗ hệ khung – dầm – sàn – rui mái hay chi tiết con ke, ván vách, hoa văn gốm, đĩa cổ đều được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, nghiên cứu bóc tách các phần hư hỏng, cố gắng giữ lại tối đa thành phần còn tốt, sử dụng kỹ thuật thi công truyền thống kết hợp các loại vật liệu, hóa chất hiện đại để gia cố, gia cường, tận dụng lắp dựng lại.
Diện mạo Chùa Cầu sau trùng tu. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An
Trước nhiều ý kiến cho rằng công trình trùng tu xong nhìn “rất trẻ”, “sáng bóng”, không giữ được vẻ cổ kính ban đầu, đại diện Trung tâm cho biết, màu sắc sau tu bổ của Chùa Cầu giữ nguyên màu hiện trạng của chi tiết cũ, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.
Riêng về màu của mái Chùa Cầu, ông Ngọc cho biết màu sắc hiện tại được phục hồi dựa theo một số vị trí còn tồn màu cũ, kết hợp với kết quả khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia. Việc phục hồi, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra, nhưng điều quan trọng là giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích.
“Theo thời gian, trải qua sự phong hóa, Chùa Cầu sẽ lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như những lần trùng tu trước đó”, ông Ngọc nói.
Anh Nguyễn Minh Đức, 34 tuổi, cư dân sống tại Hội An, nói bất cứ công trình nào khi trùng tu, làm mới cũng cần có thời gian để đồng bộ. Không ai biết được diện mạo của Chùa Cầu ngày xưa như thế nào, mọi người đã quen với diện mạo chùa cầu cũ kỹ sau vài trăm năm rồi. Cư dân Hội An mong du khách tiếp tục ủng hộ di tích. “Những phản hồi là cơ sở để giới chuyên môn hoàn thiện hơn trong thời gian tới”, anh Đức nói.
Thanh Hải, 28 tuổi, hướng dẫn viên du lịch, nói trùng tu Chùa Cầu là kịp thời. Anh cho biết dẫn khách tham quan qua lại Chùa Cầu hằng ngày nên biết rất rõ mức độ hư hại của di tích. “Mỗi lần đi qua có cảm giác như sắp sập tới nơi”, Hải nói.
Di tích Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại, mặc dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ cẩn thận nhưng dưới tác động khắc nghiệt của tự nhiên và thời gian, di tích vẫn không tránh khỏi hư hại, từng qua 7 lần trùng tu. Năm 2022, công trình xuống cấp nghiêm trọng, phần mố cầu, trụ cầu bị nứt, lún, nhiều cột và kèo bị hỏng nặng. Chùa Cầu được UBND TP Hội An phê duyệt tu bổ với kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Công trình đã hoàn thành và dự kiến khánh thành vào ngày 3/8, trong chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 20 năm 2024.
Sau 1 năm rưỡi tiến hành tu bổ, đến nay di tích Chùa Cầu ở Hội An dần lộ diện sau khi cơ quan chức năng tiến hành tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn.
Gửi góp ý
Theo Tuấn Anh ([Tên nguồn])
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.