Quán hủ tiếu độc lạ này của bà Nguyễn Thanh Hồng (SN 1954, thường được gọi thân mật là dì Ba), mở bán từ năm 2000 đến nay. Sở dĩ quán được gọi là “hủ tiếu thả” là vì sau khi gọi món, khách phải đợi phần ăn của mình được thả bằng dây từ tầng một xuống.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, dì Ba cho biết ban đầu, quán cũng bán ở mặt đất. Đến năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, quán mới áp dụng hình thức thả dây.
“Lúc có dịch Covid-19, tôi nghỉ bán nhưng khách quen qua lại cứ hỏi mua hủ tiếu hoài, nên cuối cùng tôi cũng nấu khoảng 10 tô/ngày, thả xuống cho mọi người ăn. Dần dà, tôi duy trì bán theo hình thức này luôn, bán 6h-18h mỗi ngày”, dì Ba nói.
Có những khách lần đầu đến ăn, khi rẽ vào hẻm thấy bảng hiệu đề chữ “hủ tiếu” nhưng không gian vắng lặng, chỉ có chiếc bàn nhỏ với vài chiếc ghế, tưởng quán đã đóng cửa. Song, nếu có hàng xóm nào ở đó, họ sẽ chỉ khách chỗ để xe, rồi hướng lên tầng, gọi: “Dì Ba ơi, bán hủ tiếu”.
Còn khách quen khi đến tiệm sẽ chủ động kéo ghế ngồi, lấy trà đá có sẵn trên bàn, lớn tiếng gọi dì Ba. Nghe tiếng gọi, dì Ba sẽ đáp lời để khách biết rồi làm ngay tô hủ tiếu nóng hổi thả xuống bằng dây dù. Nhận hủ tiếu, khách để tiền vào khay cho dì Ba kéo lên.
Quán cứ thế hoạt động mấy năm nay, chủ yếu phục vụ khách quen, tiểu thương ở chợ. Không ít người ghé quán 2-3 lần/tuần, có người mỗi lần ghé đều mua 7-8 tô cho đồng nghiệp hay cả gia đình dùng.
Dì Ba tâm sự, ngày trước gia đình cũng bán hủ tiếu, rồi truyền nghề lại cho mình. Vốn là người Trà Vinh, nên hủ tiếu của dì Ba có hương vị đậm đà, hơi hướng miền Tây.
Mỗi ngày, trời chưa sáng, dì Ba đã thức dậy, hầm thịt và xương làm nước dùng. Dì Ba nói nước dùng ngọt thanh là nhờ hầm xương kỹ nên làm hài lòng thực khách chứ không có công thức gì đặc biệt.
Dì Ba có bán hủ tiếu, bánh canh và nui, nhưng món được ưa chuộng nhất tại quán là hủ tiếu khô, ăn kèm nước dùng nóng hổi.
Một tô hủ tiếu của dì Ba có giá 30.000 đồng, nhiều hủ tiếu và được rắc đầy hành phi. Hủ tiếu của dì Ba chỉ có thịt heo cắt mỏng, không cho tim, phèo, gan heo hay bò viên vào hủ tiếu như nhiều nơi khác. Nếu muốn, thực khách có thể gọi thêm xương heo để ăn kèm.
Dẫu làm việc 12 tiếng/ngày, nhưng dì Ba vẫn nhiều năng lượng, thường xuyên trò chuyện với khách. Người phụ nữ 70 tuổi thừa nhận đôi khi phải nói to, thậm chí có lúc hét lớn thì khách mới nghe thấy. Tuy nhiên, nhờ nấu hủ tiếu tại nhà rồi thả dây bán, không cần di chuyển nên dì Ba có thời gian nghỉ ngơi.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Phan Văn Hà (Phú Nhuận) cho biết sau khi biết đến quán hủ tiếu của dì Ba, anh ăn liên tục một tuần vì rất thích vị ngọt thanh từ nước hầm xương. “Có lúc dì Ba làm một mình, có lúc có con trai phụ. Dù lớn tuổi nhưng dì Ba nhanh nhẹn, không để khách đợi lâu”, anh Hà nói.
Anh Chí Tài (22 tuổi, quận 1) lần đầu tiên đến quán dì Ba ăn hủ tiếu cũng rất hài lòng với khẩu phần ăn “no căng bụng” và nước dùng ngọt thanh.
“Nước dùng ngọt, nhưng ăn không thấy vị bột ngọt hay hạt nêm như nhiều quán khác. Dì Ba bán phần hủ tiếu giá chỉ 30.000 đồng, rất phù hợp với sinh viên mà ăn no bụng. Chắc chắn tôi sẽ quay lại ủng hộ dì Ba”, anh Tài nói.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.