Ngày 1/6, tại làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, Quảng Nam) đã diễn ra sự kiện “Nét hoa làng nghề lần thứ III” và khai trương hoạt động hướng dẫn tham quan làng mộc Kim Bồng.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, hoạt động hướng dẫn tham quan làng mộc Kim Bồng là kết quả sau một thời gian dài nỗ lực, tích cực của các cơ quan, ban ngành, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Kim.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, trước mắt sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, điều hành; trong tổ chức các hoạt động tham quan trải nghiệm, du lịch, dịch vụ tại làng mộc; trong chia sẻ lợi ích cho cộng đồng cư dân…
“Thành phố sẽ cùng địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu bảo tồn và phát huy tốt giá trị lịch sử văn hóa – con người, hòa nhập vào thế giới nhưng không hòa tan các giá trị làng nghề, bắt kịp xu hướng phát triển du lịch bền vững trong thời kỳ mới”, đại diện lãnh đạo thành phố Hội An chia sẻ.
Trong ngày khai trương, tại làng mộc Kim Bồng đã trình làng mô hình nhà gỗ ba gian, hai chái của ông Huỳnh Ri (84 tuổi), nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
Mô hình nhà gỗ dài khoảng 120cm, cao 70cm, rộng 50cm. Ngôi nhà ba gian, hai chái là một thể loại nhà truyền thống phổ biến của Việt Nam.
Nhà ba gian, hai chái truyền thống có 36 cây cột lớn và hệ thống kèo, đà, hoa văn gỗ được chạm trổ kỳ công. Căn nhà thường có diện tích khoảng 80m2, làm từ gỗ mít, lợp ngói âm dương, bền vững theo thời gian và ít mối mọt. Giữa gian nhà chính thường treo bức hoành phi và hai câu đối hai bên, đa phần có ý nghĩa giáo dục các thế hệ sống tích đức, hướng thiện…
Chương trình hướng dẫn tham quan làng mộc Kim Bồng được chia theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 1/6 gồm tìm hiểu lịch sử, văn hóa làng mộc Kim Bồng; tham quan và tham gia trải nghiệm các nghề truyền thống tại Cẩm Kim như mộc Kim Bồng, dệt chiếu cói, làm hương, đan thúng, rổ bội…
Giai đoạn 2 bắt đầu từ quý II/2025, tổ chức kết hợp tham quan các điểm văn hóa – lịch sử kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch và ngư nghiệp; bên cạnh đó, liên kết thêm các điểm ở nội vùng Hội An và lân cận…
Trong dịp này, thành phố Hội An cũng tổ chức sự kiện “nét hoa làng nghề Hội An lần III”. Trong kho tàng di sản văn hóa của thành phố Hội An, các nghề/làng nghề truyền thống là một bộ phận cấu thành nên di sản văn hóa với hơn 50 nghề truyền thống, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của đô thị cổ Hội An.
Sự kiện với mục tiêu giới thiệu nét đẹp văn hóa các nghề, làng nghề truyền thống của Hội An đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tôn vinh những sáng tạo của người thợ thủ công; góp phần khơi gợi ý tưởng sáng tạo trong cộng đồng, kết nối các làng nghề; thực hiện tốt những cam kết của thành phố sáng tạo mà thành phố Hội An đã đăng ký với UNESCO; đẩy mạnh, lan tỏa hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo.
Tại sự kiện, các nghệ nhân đại diện cho các nghề/làng nghề của Hội An đã trình diễn phục vụ cho du khách tham quan, trải nghiệm như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, nghề làm lồng đèn, điêu khắc gốc tre, xóm thủ công Hội An…
Ngoài ra, tại ngày hội còn diễn ra phiên chợ “Khởi nghiệp – Tiêu dùng xanh Hội An” năm 2024, giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm hàng hóa Việt…
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.