Kiệt quệ sau dịch COVID-19, những doanh nghiệp làm du lịch ở Quảng Ninh cố gắng gượng dậy khi trên mình vẫn đang mang những “vết thương” chưa kịp lành. Bão Yagi một lần nữa hạ gục họ bằng cú “knock-out”, nhấn chìm hàng loạt tàu thuyền, thổi bay hàng quán, điểm tham quan cũng tan hoang theo bão.
Vịnh Hạ Long mở cửa đón khách trở lại từ ngày 10/9
Cả khu phố cổ thành đống đổ nát
Sau bão, khu phố cổ ở trung tâm khu du lịch Bãi Cháy sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất Hạ Long chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn. Hình ảnh này chỉ thường thấy trên phim viễn tưởng về ngày tận thế. Nhà cửa, đường phố, cây cối đổ rạp. Mọi thứ hỗn độn như ai vừa dốc ngược cả khu phố lên để cố tình phá hoại.
Tại âu cảng Tuần Châu, những con tàu từng tấp nập đưa đón khách nay chìm dưới nước (theo số liệu thống kê đã có khoảng 27 tàu du lịch, 155 tàu vận tải bị chìm, đắm). Đây là thiệt hại do thiên tai chưa từng có đối với đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Sau gần 20 ngày cơn bão đi qua, những con tàu du lịch này vẫn phải ngâm mình dưới nước vì chưa ai nhận cứu vớt.
Hệ thống Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn) đều hư hỏng nặng. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long thiệt hại nặng nhất, các pontoon cầu phao bị bật, lật úp, trôi dạt vào bờ. Tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, nhiều vị trí bị thổi bay hoàn toàn.
Trên vịnh Hạ Long, nhà điều hành của Ban bị tốc mái, hư hỏng. Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn hư hỏng nặng, 15 nhà bè bảo tồn tại Cửa Vạn bị chìm hoàn toàn.
Không chỉ hư hại về tài sản vật chất, cảnh quan thiên nhiên làm nên giá trị thẩm mỹ của Di sản – Kỳ quan vịnh Hạ Long cũng bị cơn bão tàn phá. Môi trường vịnh bị ảnh hưởng bởi lượng lớn rác thải từ các mảnh vỡ công trình, nhà bè nuôi thủy sản, phao xốp, cành cây, rác thải đổ ra theo dòng nước từ trên bờ xuống.
Rất nhiều cơ sở lưu trú tại Quảng Ninh ghi nhận thiệt hại, từ khách sạn cao cấp 4-5 sao đến các cơ sở quy mô nhỏ. Thiệt hại nặng nhất là ở địa bàn TP Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô. TP Hạ Long có 39 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao thì sau bão Yagi, 37 khách sạn vừa sửa chữa, vừa đón khách, có 2 khách sạn phải dừng hoạt động để sửa chữa.
Nỗ lực phục hồi
Ngay sau khi bão tan, người dân, chính quyền, doanh nghiệp hối hả thực hiện công cuộc tái thiết trên đống hoang tàn do bão để lại. Nén lại những mất mát, đau thương, Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào khắc phục với mục tiêu sớm nhất là đảm bảo các điều kiện để đón khách trở lại.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long phát động chiến dịch “3 ngày làm sạch vịnh Hạ Long”, huy động khoảng 50 phương tiện, gần 200 cán bộ, nhân viên, chiến sỹ tham gia thu gom, vận chuyển rác.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết: Đơn vị đã phối hợp thu gom hàng trăm tấn rác thải, trục vớt, thu dọn hàng chục nhà bè nuôi trồng thủy sản bị chìm, trôi trên mặt vịnh. Môi trường các điểm tham quan đã được cải thiện. Các tuyến, điểm du lịch trên được khôi phục trở lại, sẵn sàng đón khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tại Khu Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, hệ thống cây xanh, giao thông cũng bị thiệt hại rất nặng nề. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn sau bão, đơn vị đã phối hợp thu dọn vệ sinh môi trường, khắc phục những tuyến đường bị sạt lở. Vì thế, hiện khu di tích đã có thể đón khách trở lại.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra sẽ dẫn đến suy yếu năng lực tài chính của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ có nguy cơ phá sản, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hàng ngàn lao động. |
Đến nay, một số điểm tham quan trên vịnh Hạ Long đã đủ điều kiện đón tiếp, phục vụ khách tham quan: Tuyến 1 (điểm động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ), tuyến 2 (đảo Ti Tốp, hang Sửng Sốt, hang Luồn, hang Trinh Nữ). Gần 360 tàu đang neo trú tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, trong đó có 315 tàu, chiếm 88% số tàu đã đón khách du lịch. Đến 23/9, vịnh Hạ Long đã đón khoảng 39.000 lượt khách du lịch, gần 90% là khách quốc tế.
Tới thời điểm này, 67/87 điểm du lịch sẵn sàng đón khách trở lại; 20 điểm du lịch đang khắc phục sự cố. Các doanh nghiệp tập trung dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, duy trì tốt việc phục vụ các đoàn khách đã đặt trước và các đoàn khách mới; đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả.
Ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng đón 19 triệu lượt khách du lịch năm 2024. Trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch dự kiến đạt 46.460 tỷ đồng. Sở Du lịch đề nghị tỉnh đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nói riêng và hệ thống doanh nghiệp nói chung bị thiệt hại sau bão.
Không khí mát mẻ trong lành với những đồi cỏ rộng bạt ngàn, sáng sớm, từng ‘”suối mây” thi nhau đổ về thành phố. Đồi Phượng Hoàng – Uông Bí đang trở…
Gửi góp ý
Theo Hoàng Dương ([Tên nguồn])
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.