Một tay gây dựng xe chè 60 năm
Nép mình trên con đường Nguyễn Văn Thủ (quận 1, TPHCM), xe chè đề bảng hiệu “Dương Quá” thu hút sự chú ý của người đi đường.
Sở dĩ xe chè này lấy tên “Dương Quá” là bởi người bán là ông Võ Văn Thể (76 tuổi, quận 1), hay còn được gọi là chú Ba, chỉ có một cánh tay, tương tự nhân vật Dương Quá trong bộ phim nổi tiếng Thần điêu đại hiệp của Trung Quốc.
Tại đây, ông Thể đặt 2 cây dù lớn, tấm ni lông che mưa nắng cùng mấy chiếc ghế nhỏ là thành “tiệm chè”.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông Thể nói mình bị tai nạn mất một tay từ khi còn rất trẻ. Từ năm 1968, ông cùng chị ruột bắt đầu đẩy xe đi bán chè.
Thời gian đầu, ông đi quanh thành phố, thường dừng lại ở hồ Con Rùa, nhà thờ Đức Bà… để bán. Về sau, ông Thể đến góc đường Nguyễn Văn Thủ “đóng đô” và buôn bán đến nay.
Ông cho biết khoảng 10 năm trở lại đây, chị của ông già yếu nên không thể tiếp tục bán chè. Vì thế, ông cùng người cháu dâu là bà Nguyễn Thị Nữ (54 tuổi) duy trì công việc này.
“Hằng ngày, tôi và cháu Nữ đẩy xe ra bán, chiều lại đẩy về. Hiện các công đoạn làm chè do cháu tôi phụ trách. Tôi có thể chạy xe đạp bưng bê, dọn dẹp. Cuộc sống mỗi ngày đều diễn ra như thế”, ông Thể cho hay.
Khi được hỏi chỉ có một tay thì có gặp nhiều khó khăn khi làm việc hay không, ông Thể cười giòn giã, nói mình “tàn nhưng không phế”.
Ông tâm sự lúc mới mất tay, ông như khủng hoảng bởi bản thân không thể tự mặc quần áo. Song hiểu rằng cuộc sống có biến cố thì vẫn phải tiếp tục sống, nên ông Thể tập quen với việc hoạt động một tay, bắt đầu cuộc sống mới.
Tồn tại hơn nửa thế kỷ, xe chè Dương Quá trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân thành phố, đặc biệt là nhân viên văn phòng cũng như các thế hệ học sinh. Mỗi ngày, ông Thể bán từ 12h trưa, đến tầm 18h thì nghỉ.
Ở đây có hơn chục loại chè, như chè bà ba, chè đậu xanh, sương sa sương sáo, sữa chua nếp cẩm, củ năng hạt lựu đậu xanh, phục linh sương sáo… với giá 15.000-20.000 đồng/ly. Một năm trở lại đây, ông Thể còn bán thêm cà phê, phục vụ nhu cầu của nhân viên văn phòng ở gần đó.
Xe chè nuôi sống cả gia đình
13h, nắng gay gắt đổ xuống khiến con đường nhỏ vắng hoe, ít người qua lại. Tuy nhiên, cứ chốc lát lại có vài khách ghé vào xe chè, kêu 3-4 ly nhiều loại. Bà Nữ với đôi tay thoăn thoắt múc nguyên liệu bỏ vào ly rồi rưới nước cốt, đưa cho khách.
Điện thoại reo, bà Nữ vội bắt máy, nghe yêu cầu đặt chè của khách rồi tiếp tục bỏ đá vào mấy ly chè đang dang dở. Sau đó, ông Thể đội nón, chúc những khách đang ngồi ăn ngon miệng rồi bê chè đi giao.
Bà Nữ cho biết 17h, khi học sinh tan học sẽ có rất đông khách. Còn buổi trưa đa phần khách mua mang đi, mỗi người 3-4 ly. “Có người ở gần gọi điện thoại đến mua chè, tôi làm rồi chú Thể đạp xe đi giao. Người ở xa thì gọi điện đặt hàng, rồi tự đặt xe đến lấy”, bà Nữ cho hay.
Ở tuổi gần 80, ông Thể vẫn sống một mình, không có vợ con. Hiện ông ở cùng chị ruột (mẹ chồng của bà Nữ) cùng vợ chồng bà Nữ. Ông Thể nói bản thân lớn tuổi, không cần tiêu xài gì nhiều nên sống nhờ xe chè là đủ.
Bà Nữ cũng cho biết tuy nhỏ nhưng xe chè Dương Quá lại “có võ”, bởi đang là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình bà.
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, mỗi ngày, bà bán đến hơn 300 ly chè. Về sau, trung bình mỗi ngày bà bán khoảng 100-120 ly, còn hôm nào mưa gió, ít khách, bà chỉ bán được khoảng 50 ly.
Hầu hết khách ở đây là khách quen, bởi xe chè này đã tồn tại mấy chục năm. Nhiều người yêu thích chè Dương Quá vì vị không quá ngọt, đậu mềm, ăn kèm nước cốt nguyên chất thơm lừng.
Chị Đỗ Thị Kim Thúy (50 tuổi, Bình Thạnh) cho biết bản thân đã ăn chè ở đây từ thời còn cắp sách đến trường. Khi trưởng thành, chị vẫn thường xuyên ghé lại để ủng hộ. Chị còn dắt con gái đến, giới thiệu đây là “xe chè thanh xuân” của chính mình.
“Nhiều năm trôi qua, xe chè có thêm nhiều loại, giá cả phải chăng. Càng ăn, tôi càng thích hương vị thơm ngon, mát lạnh của các loại chè. Mong chú Thể, cô Nữ vẫn luôn khỏe mạnh để bán thêm chè cho nhiều thế hệ”, chị Thúy cho hay.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.