Nghỉ lễ dài ngày, người dân “né” du lịch nội địa bằng máy bay
Bài viết ” Phú Quốc, Nha Trang ảm đạm, khách Việt đổ đi Trung Quốc, Thái Lan lễ 2/9 ” đăng tải trên Dân trí ngày 29/8 thu hút sự quan tâm của độc giả với nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, không ít độc giả gửi chia sẻ kể lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ khi đi du lịch vào dịp lễ Tết.
Độc giả Nguyễn Thành Trung cho rằng “giá vé máy bay quá đắt khiến các điểm du lịch trong nước thất thu. Một số tự lái xe tới các điểm du lịch gần nơi cư trú. Số khác lại chọn tour nước ngoài ngắn ngày và đảm bảo tiêu chí ngon bổ rẻ hơn”.
Bên cạnh đó, nạn “chặt chém” hét giá dịch vụ vẫn là vấn đề nhức nhối khiến nhiều khách bức xúc.
Độc giả Đặng Quốc Bảo cho biết, anh vừa có chuyến thăm Tam Cốc (Ninh Bình) một ngày. Chi phí mua vé đi thuyền là 350.000 đồng (gồm cả đi xe điện khi lên bờ). Tuy nhiên, trước khi thuyền cập bến, vị khách bị người lái đò “xin cốc nước”. Anh chấp nhận đưa thêm tiền nhưng thấy “kém vui” và được biết những thuyền khác của đồng nghiệp mình cũng gặp tình trạng tương tự.
Cùng chung quan điểm, chị Vũ Hoàng Lan chia sẻ trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến đi Cửa Lò dịp hè vừa rồi. Theo vị khách này, cảnh quan không có gì phàn nàn, nhưng dịch vụ lại bát nháo.
Đó là cảnh xe điện chèo kéo khách, đưa khách đi lòng vòng để tận thu còn tiểu thương buôn hải sản lại bán không có tâm. Đi chơi trong tâm thế phải đề phòng khiến vị khách thấy “hết sạch thú vị”.
Chính vì những nguyên nhân này khiến anh Phạm Minh đã chốt tour sang Trung Quốc dịp 2/9 đi 3 ngày hết 7 triệu đồng. Hành trình di chuyển bằng máy bay. Vị khách cho rằng, với số tiền 7 triệu đồng nếu đi trong nước và cùng thời gian bay có lẽ không đủ để chi trả tiền vé.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhiều độc giả nhận định sẽ gây ra nhiều hậu quả khiến du khách quay lưng với du lịch nội địa, doanh nghiệp lữ hành và địa phương phải trả giá, kinh tế chậm phát triển.
Lương 70 triệu đồng/tháng vẫn không dám du lịch ngày lễ
Chia sẻ câu chuyện của mình, chị H. (ở Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 70 triệu đồng/tháng.
Là người “giữ tay hòm chìa khóa”, hàng tháng chị có hai khoản chi lớn nhất gồm chi phí cho việc học hành của 3 con khoảng 20 triệu đồng, trả góp tiền mua nhà 10 triệu đồng. Số tiền còn lại bà nội trợ phân bổ cho khoản ăn uống, xăng xe đi lại, tiền tiết kiệm và bỏ ra từ 3-5 triệu mỗi tháng dành riêng cho việc du lịch.
Theo thói quen trước khi bước vào dịp nghỉ lễ lớn, chị thường săn vé máy bay cho cả nhà. Nhưng từ đầu năm nay, vị khách người Hà Nội băn khoăn thấy giá cao mãi không giảm.
Đợt 2/9 này, hai vợ chồng sớm bàn nhau dự tính đưa cả nhà đi Nha Trang du lịch. Tuy nhiên tiền vé máy bay khiến vị khách choáng váng. Đặt trên trang web của một hãng bay với lịch trình đi 31/8 và về 3/9, giá cặp vé khứ hồi Hà Nội – Nha Trang đã lên tới 7,3 triệu đồng (bao gồm thuế phí)/người.
Chị nhẩm tính, chỉ riêng tiền vé cho gia đình 5 người đã tốn khoảng 37 triệu đồng. Khi tính cả chi phí đặt khách sạn, di chuyển giữa các điểm du lịch, ăn uống, mua quà và một số khoản phát sinh thêm chắc chắn sẽ vượt xa con số dự kiến dành cho du lịch của cả nhà trong vòng một năm.
Sau những đắn đo tính toán, cuối cùng hai vợ chồng quyết định chuyển hướng. Họ sẽ lái xe đi cắm trại ở những điểm gần Hà Nội. Lịch trình chuyến đi sẽ diễn ra trong ngày.
“Giá vé máy bay cao quá nên tôi phải thay đổi kế hoạch và thông báo với các con về việc cả nhà sẽ đi cắm trại ở Đồng Mô một buổi. Hôm khác, cả nhà sẽ tới núi Hàm Lợn. Cũng may các con đều vui vẻ hợp tác trước phút cuối quay xe của bố mẹ”, chị H. nói.
Gia đình chị H. là một trong số nhiều du khách cũng rơi vào tình trạng tương tự. Họ chấp nhận chuyển hướng du lịch chỉ vì vé máy bay nội địa vượt quá khả năng dự trù tài chính.
Từ đầu năm, giá vé máy bay các chặng nội địa liên tục tăng cao đã trở thành vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn. Không ít người có chung tâm lý, với số tiền chi ra chỉ để mua vé máy bay đi trong nước lại tương đương với tour nước ngoài, tội gì không xuất ngoại?
Cũng trong dịp lễ 2/9 năm nay, với hành trình kéo dài 3-5 ngày, các điểm đến quen thuộc như Thái Lan, Trung Quốc liên tục có những tour tuyến được đánh giá có chi phí “khá mềm” để khách thoải mái lựa chọn.
Đơn cử như đi Trung Quốc bằng đường bộ với tour Châu Hồng Hà đang được khách Việt đặt nhiều nhất do giá thành rẻ, chi phí trọn gói (ăn, ở, di chuyển) chỉ tốn khoảng 3-5 triệu đồng/khách cho hành trình 4 ngày 5 đêm.
Tương tự, tour từ Móng Cái (Quảng Ninh) đi qua cửa khẩu Đông Hưng để thăm các điểm đến như Trúc Sơn cổ trấn, trải nghiệm trượt thác Kim Sa Thủy, cũng được khách Việt chốt mua với giá khoảng 3,7 triệu đồng cho hành trình 3 ngày 2 đêm.
Giá tour Bangkok – Pattaya (Thái Lan) hiện dao động trên thị trường từ 5,9 đến 9,9 triệu đồng tùy từng đơn vị lữ hành, lịch trình, đoàn khách, hãng bay và nơi khởi hành. Nhiều công ty du lịch Việt Nam tiết lộ, họ nhận được chính sách hỗ trợ từ Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) giúp giá tour luôn ở mức phải chăng, đáp ứng được hầu hết phân khúc khách hàng.
“Giá vé máy bay ở Việt Nam đang quá cao so với mức thu nhập của người dân”
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, nếu tính theo GDP bình quân đầu người các nước theo số liệu từ World Bank 2022, Mỹ là 76.330 USD (1,9 tỷ đồng), Thái Lan là 6.910 USD (172 triệu đồng), Việt Nam là 4.163 USD (104 triệu đồng).
Nếu so sánh từ con số này, có thể thấy giá vé đang tăng quá cao so với mức thu nhập của người dân Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về nguyên nhân khiến giá vé máy bay tại Việt Nam tăng cao, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngành hàng không còn tồn đọng nhiều lý do.
“Nguyên nhân đầu tiên đó là lượng khách của các đường bay không ổn định và lưu lượng người đi từng thời điểm cũng không ổn định. Tiếp theo, việc mở đường bay đòi hỏi nhiều quy định. Với đường bay dù ít khách vẫn phải duy trì bay theo tần suất 1-2 chuyến/tuần kể cả lỗ vẫn phải bay khiến chi phí phát sinh tăng lên. Các đường bay có lượng khách đông cũng không đủ để hãng bù lỗ đường bay vắng khách”, PGS Thịnh phân tích.
Tuy nhiên, nếu hãng bay tiếp tục để giá vé ở ngưỡng cao sẽ gây ra những thiệt hại tới sự tăng trưởng kinh tế và ngành du lịch. Thực tế từ đầu năm tới nay, rất nhiều tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu hội họp du lịch, đã chuyển hướng sang nước ngoài (như Thái Lan, Trung Quốc), hoặc tới những điểm không cần sử dụng máy bay.
Để giải quyết vấn đề này, PGS Thịnh cho rằng “đây là bài toán mà các hãng hàng không cần đặt lên bàn cân, tính toán khoa học để giảm thiểu tối đa chi phí”.
Cụ thể, các hãng này nên có sự kết nối với đơn vị lữ hành du lịch cùng cơ quan quản lý du lịch địa phương, hãng vận tải chuyển tiếp để có mạng lưới phục vụ hành khách, tăng khả năng hoạt động hiệu quả.
“Về phía cơ quan Nhà nước có thể tính toán để đưa ra những hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp hàng không phục hồi và phát triển. Bài toán này cần phải giải quyết ngay và luôn”, PGS Thịnh nói.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.