Những thông tin đăng tải trên Tuổi Trẻ Online liên quan đến giá vé tham quan di tích cấp quốc gia Ga Đà Lạt (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) chỉ trong thời gian ngắn đã có nhiều ý kiến phản hồi cho thấy du khách, người dân rất quan tâm.
Đa số các ý kiến đều cho rằng tăng giá dù ít dù nhiều là chuyện nhạy cảm, do đó cần có cách hài hòa.
Tăng giá tham quan Ga Đà Lạt rồi sẽ quen?
Bạn đọc Nguyên Lê trao đổi: “Khách vào ga Đà Lạt muốn đi trải nghiệm đến Trại Mát đã phải trả hơn 100.000/vé, cộng tiền cho thuê mướn bán nước giải khát, bán quà lưu niệm trong ga tính ra thu cũng kha khá.
Trong khi khách vào ga chủ yếu leo lên xe lửa cổ chụp hình là chính ngoài ra không còn gì để tham quan nữa nên thu 50.000/người là quá cao. Cho là Ga Đà Lạt đã thành di tích lịch sử cần bảo tồn và tiền mất giá thì theo tôi chỉ nên tăng giá vé cỡ 10.000đ/ người là phù hợp”.
Bạn đọc Tiến Đỗ có góc nhìn ủng hộ việc tăng giá và cho rằng du khách sẽ dần quen với mức giá mới, tuy nhiên phải sử dụng cho phù hợp.
Theo bạn đọc này, giá vé 50.000 vào một điểm du lịch không phải là bất thường bây giờ. Ngoài ra ga Đà Lạt là một di tích độc nhất chứ không phải là công trình xây dựng mới để kinh doanh, giá trị ở chỗ đó.
Thêm nữa là nguồn thu phải tương xứng thì mới có chi phí bảo trì bảo tồn, ai cũng muốn giữ gìn cho mai sau, không để hư hỏng nhưng không muốn bỏ tiền ra thì lấy gì mà giữ? Giá vé 5.000 đồng như cũ là quá rẻ, dẫn tới bị lạm dụng, thu không được bao nhiêu và những du khách vô ý thức sẽ làm ảnh hưởng tới những người có ý thức.
“Việc tăng giá vé là cần làm. Lần Thảo cầm viên (TP.HCM) tăng giá (chắc cũng được 7 – 8 năm rồi) tôi cũng hơi sốc nhưng sau đó nhờ thế mà thấy cảnh quan đẹp hơn, thú nuôi được chăm sóc tốt hơn, không gian bớt lộn xộn hơn (người ta sẽ không còn kéo nhau vào đó ngồi nhậu), tôi ủng hộ hoàn toàn”, Tiến Đỗ nêu quan điểm.
Đầu tư gì chưa mà tăng giá?
Từ ý kiến của Tiến Đỗ, bạn đọc Nguyễn Hoàng trao đổi: “Tăng thì cũng từ từ theo lộ trình chứ từ 5.000 đồng mà tăng cái vèo lên 50.000 đồng. Ông đã đầu tư thêm cái gì chưa?”.
Còn bạn đọc Đoàn Hòa đưa ra so sánh giá vé vào cổng Thảo cầm viên (TP.HCM): “Đối chiếu với giá vé của Thảo Cầm Viên, 60.000/người lớn và 40.000/trẻ em sẽ thấy giá vào Ga Đà lạt 50.000/người là… cao ngất ngưởng”.
Với quan điểm chưa đầu tư nhiều cho phần trải nghiệm nhà ga mà đã tăng giá vé là bất hợp lý, Nam Lee đưa ra suy luận: “Có vẻ tăng giá để giảm số khách tham quan khi nguồn lực không đủ để quản lý hết. Nhiều nơi dùng cách tăng giá như một cách để kiểm soát số lượng khách đến”.
Bạn đọc Lương Thanh nhìn nhận, vào Ga Đà Lạt trải nghiệm thực ra là tốn nhiều chi phí, trong đó có vé vào cổng, vé đi tàu. Cho nên, nếu nâng vé vào cổng thì chi phí chung du khách phải bỏ ra sẽ tăng lên.
“Khi giá vé tàu rất chát rồi, nay lại thêm vé vào cổng. Vé khứ hồi cho đoạn đường khoảng 10km mà trên 100.000 đồng đã khá cao. Tàu chỉ được vài toa cũ… chẳng bõ công để trải nghiệm khi xuống tới nơi chỉ được đi hơn 30 phút phải quay lại tàu để về Đà Lạt”.
Bạn đọc Le Van De nhận định: “Với cách làm như thế này tôi thấy việc tăng giá có thể khiến ga Đà Lạt không tăng được tài chính, mà có thể còn thất thu nhiều hơn nếu các công ty và khách du lịch họ không muốn tới tham quan do giá vé cao, lại không có giá trị tăng thêm nào hấp dẫn so với giá vé đó”.
Giá mới nên tặng kèm dịch vụ mới
Tôi đã nhiều lần ghé ga Đà Lạt để chụp ảnh. Kiến trúc của ga rất đẹp, lại có đầu tàu, toa tàu cổ, nhưng tiếc là bên trong nhà ga còn luộm thuộm, bán hàng là chủ yếu.
Theo tôi là nên phục hồi bên trong nhà ga cho đúng với nguyên trạng thời xưa. Nên có 1 góc trưng bày tranh ảnh, hiện vật liên quan đến sự hình thành và hoạt động của ga, còn hoạt động buôn bán nên dọn ra ngoài.
Nếu được nữa thì trong vé 50.000 đồng có kèm trải nghiệm đi xe lửa cổ một đoạn ngắn cũng được. Như thế việc tăng giá vé vào cổng sẽ dễ chấp nhận hơn.
Bạn đọc LE VAN DE
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.