Chùa Thiên Mụ (hay còn gọi là Linh Mụ) nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, thuộc địa phận phường Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, do chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Đây là 1 trong 20 thắng cảnh (Thần Kinh Nhị Thập Cảnh) nổi tiếng xứ Huế, với bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” do vua Thiệu Trị sáng tác, được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa.
Khu phía trước là các kiến trúc mang tính biểu tượng, gắn với lịch sử hình thành, như: Hệ thống bậc cấp, 4 trụ biểu, nền đền Hương Nguyện, tháp Phước Duyên; 2 lầu bia hình tứ giác, bên trong chứa 2 văn bia khắc những tác phẩm văn học do vua Thiệu Trị sáng tác; 2 lầu hình lục giác, bên trong chứa 2 Bảo vật quốc gia.
Ngoài ra còn có 1 tấm văn bia khác ở trước mặt cổng Tam Quan, bia khắc thơ và lời tựa của vua Khải Định, dựng năm 1920.
Nổi tiếng nhất ở quần thể chùa Thiên Mụ là tháp Phước Duyên, cao 21m, gồm 7 tầng, được xây dựng năm 1884. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật, thậm chí trước đây còn có tượng bằng vàng.
Không gian phía sau cổng Tam Quan là các công trình kiến trúc điện thờ, nhà tăng, như: Điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, nhà Trai, nhà khách, vườn hoa, vườn thông.
Trên tầng 2 cổng Tam Quan có bức tranh vẽ một con rồng lớn với nhiều họa tiết trang trí đẹp mắt, ngự trị giữa bầu trời có nhiều mây nhưng đã bị che kín bằng lớp gỗ màu đỏ vì nhiều lý do khác nhau. Đây cũng là nơi thờ chúa Nguyễn Hoàng và bà Thiên Mụ.
Trong ngôi cổ tự Thiên Mụ có nhiều cổ vật quý giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật, trong đó có 2 Bảo vật quốc gia, là: Quả chuông Đại Hồng Chung và tấm bia đá khắc bài “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu nói về việc tôn tạo chùa. Hai cổ vật này được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013.
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúa Nguyễn Phúc Chu, một người rất tôn sùng đạo Phật, cho đúc quả chuông bằng đồng cao 2m50, nặng 3.285 cân (hơn 2 tấn) vào năm 1710, khắc một bài minh trên đó.
Đến năm 1715, chúa lại cho dựng tại chùa một tấm bia cao 2m60, rộng 1m25, trên đế rùa cẩm thạch. Chúa đích thân viết bài minh văn “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” và cho khắc vào bia.
Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” là một tác phẩm điêu khắc đá đặc sắc của Việt Nam vào đầu thế kỷ XVIII với kích thước đồ sộ nhất trong các bia đá thời chúa Nguyễn. Hình thức trang trí và kỹ thuật chạm khắc trên bia phản ánh sự kế thừa từ mỹ thuật thời Lê – Trịnh, đồng thời có những nét riêng của phong cách bia thời Nguyễn với những đặc điểm mang giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử.
Đặc biệt, trên bia có khắc dấu ấn Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo (ấn truyền quốc của các chúa Nguyễn, sau này là các hoàng đế triều Nguyễn), ở hai vị trí: Trán bia và thân bia. Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ấn Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc năm 1709.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận ấn Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo là Bảo vật Quốc gia.
Chùa Thiên Mụ nằm ở đoạn sông Hương uốn lượn, xuôi về phía hạ nguồn nơi có những cây cầu nổi tiếng của xứ Huế.
Cảnh đẹp và nét cổ kính của chùa Thiên Mụ thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước tham quan, chiêm bái.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.