Hồ nước như quả bom hẹn giờ
Hồ Kivu là một trong những hồ lớn ở châu Phi nằm dọc theo ranh giới mảng kiến tạo thuộc biên giới giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda. Tên “Kivu” còn có nghĩa là “hồ” trong tiếng Bantu.
Với diện tích mặt nước khoảng 2.700 km2, ở độ cao hơn 1.400 m trên mực nước biển, hồ Kivu nằm trên một thung lũng đang dần bị tách ra, gây nên các hoạt động núi lửa trong khu vực và khiến chiếc hồ này đặc biệt sâu.
Chiều sâu của hồ xấp xỉ 480m, trở thành hồ sâu thứ tám trên thế giới. Xung quanh hồ Kivu có các dãy núi hùng vĩ bao bọc.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, xét ở khía cạnh địa chất, hồ Kivu rất dị thường bởi dưới đáy có lượng lớn carbon dioxide và methane.
Trên thế giới có hồ Nyos và hồ Monoun đều có đặc điểm tương tự. Trong 50 năm qua, cả hai hồ nước này đều phun ra đám mây khí chết người khiến bất cứ động vật hay con người đều bị ngạt thở.
Hồ Nyos phun trào vào năm 1986 khiến gần 2.000 người bị ngạt thở, xóa sổ 4 ngôi làng ở Cameroon. Đáng lo ngại là hồ Kivu dài gấp 50 lần hồ Nyos và sâu gấp đôi. Ước tính khoảng 2 triệu người dân đang sống ở khu vực xung quanh hồ nước này.
Sergei Katsev, Giáo sư vật lý ở Đại học Minnesota Duluth, cho biết tầng đáy của hồ có khoảng 3000km3 CO2 và 60km3 methane. Ngoài ra, hồ cũng chứa khí hydro sulfide ở sâu trong vỏ Trái đất. Những hỗn hợp khí độc này có thể nhanh chóng phát nổ dọc theo khu vực dân cư đông đúc sống xung quanh.
Tìm mọi cách xử lý “trái bom hẹn giờ”
“Những khí này có thể phát nổ trên bề mặt nếu hồ Kivu đạt tới độ bão hòa 100%. Hiện tại độ bão hòa của hồ là hơn 60%. Nó giống như một nồi nước đang sôi. Trông bên ngoài có vẻ yên tĩnh nhưng tới một lúc nào đó nó sẽ sủi bọt”, ông Philip Morkel, một kỹ sư và là người sáng lập Hydragas Energy (công ty đang tìm kiếm nguồn tài trợ phục vụ dự án khai thác khí methane từ hồ phục vụ sản xuất điện), cho biết.
Hồ nước cũng có thể bất chợt phun trào nếu các tầng lớp bên dưới bị xáo trộn. Cụ thể như nếu mặt hồ bị tác động bởi động đất hoặc dung nham. Ngay tại vùng nứt cách hồ không xa là hai ngọn núi lửa đang hoạt động.
Kỹ sư Morkel cho rằng, nếu hồ Kivu phát nổ sẽ trở thành thảm họa thiên nhiên. Hồ sẽ giải phóng lượng CO2 tương đương với 2-6 gigaton vào khí quyển trong một ngày. Để dễ hình dung, hiện lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu hiện tại là khoảng 38 gigaton mỗi năm.
“Khí độc phun trào sẽ lơ lửng trên mặt hồ dưới dạng đám mây sương mù trong nhiều ngày đến nhiều tuần. Bất cứ ai đứng tại khu vực này sẽ chỉ tồn tại trong khoảng 1 phút là khí độc sẽ khiến họ tử vong”, ông Morkel nói.
Để đối phó thảm họa tiềm tàng này, chính phủ Rwanda đã cho phép KivuWatt khai thác khí methane từ hồ và chuyển đổi thành năng lượng.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cảnh báo, nỗ lực này có thể làm xáo trộn cấu trúc của hồ, kích hoạt vụ nổ thay vì ngăn chặn. Một giải pháp thay thế khác được chuyên gia cho rằng an toàn hơn, đó là làm loãng khí methane trong hồ. Tuy nhiên việc khai thác sẽ trở nên tốn kém và khó khăn hơn.
“Về lâu dài, đây là sự đánh đổi giữa an toàn và khai thác thương mại”, Giáo sư vật lý Katsev nhận định.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.