Từ giữa sáng, hàng chục xích lô chở theo học sinh, các nghệ sĩ, nghệ nhân cùng cán bộ các cơ quan tại Hội An xuất phát từ lối vào phố cổ, đi qua các tuyến phố đi bộ chính tạo hình ảnh thanh bình, đẹp mắt cho du khách.
Ông Nguyễn Văn Lanh, phó chủ tịch UBND TP Hội An, nói rằng kể từ năm 1999 khi Hội An được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, đây là lần thứ hai phố cổ đón vinh dự lớn như vậy.
“Đây là niềm vui không chỉ của những người làm bảo tồn, văn hóa, mà là vinh dự của cả cộng đồng cư dân phố cổ.
Được gia nhập mạng lưới sáng tạo sẽ giúp Hội An kết nối với các thành viên của mạng lưới trên toàn cầu, cùng nhau xây dựng, phát triển trên các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, nâng cao đời sống người dân”, ông Lanh nói.
Niềm vui lớn của Hội An từ năm 1999
Cũng theo ông Lanh, trong 4 năm tới thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác công – tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, huy động sự tham gia sáng tạo của người dân, nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân…
Hội An cũng sẽ mở rộng các chương trình khởi nghiệp, kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công kết hợp giữa bảo tồn và phát triển; đổi mới theo hướng xanh, đa dạng hóa và tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm, bắt kịp xu hướng thiết kế sáng tạo tiên tiến.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, chiều 31-10 UNESCO đã có thông báo chính thức việc đưa Hội An cùng với Đà Lạt và 53 thành phố khác trên thế giới vào mạng lưới sáng tạo toàn cầu. Hội An, Đà Lạt là đại diện thứ 3 của Việt Nam sau thủ đô Hà Nội được nhận vinh dự này.
Hiện nay mạng lưới sáng tạo toàn cầu có 350 thành viên. Theo quy định, 2 năm một lần UNESCO sẽ nhóm họp và kết nạp thành viên mới. Bốn năm từ ngày gia nhập, thành viên phải chứng minh các cam kết của mình, nếu không đạt sẽ bị xem xét đánh giá lại.
Hội An chọn lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật dân gian cùng với 99 thành viên toàn cầu khác để làm hồ sơ tham gia mạng lưới. Đà Lạt chọn lĩnh vực âm nhạc.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.