Dù đã mường tượng về sự đông đúc trên đỉnh Tà Chì Nhù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), Thừa Hòa (26 tuổi) – nhân viên văn phòng tại Hà Nội – vẫn bất ngờ khi chứng kiến cảnh này ở thời điểm đặt chân lên đây vào sáng 13/10.
Chàng trai ước chừng hơn 300 người có mặt trên đỉnh núi cao 2.979m, chưa kể một số đoàn nán lại ở lưng chừng núi để tránh phải chen chúc.
Cuối tuần trước đó, ngày 5-6/10, bạn của Hòa từng leo đỉnh Tà Chì Nhù và cũng choáng váng khi thấy biển người đổ xô tới. Nhìn cảnh này, không ít du khách hài hước bình luận: “Không chỉ có mỗi phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), trên đỉnh Tà Chì Nhù cứ mỗi mét vuông có 10 nàng thơ”.
Sỹ Nguyễn – điều hành đơn vị du lịch trải nghiệm DiTrek – cho biết, sau đợt bão Yagi gây gián đoạn các tour trekking ở Tà Chì Nhù, lượng khách khá lớn bị dồn lại vào các tuần tiếp đó, đặc biệt là cuối tuần.
Bên cạnh đó, Tà Chì Nhù luôn là một trong những đỉnh săn mây đẹp nhất, lại đang vào mùa hoa chi pâu tím biếc nên du khách đổ về đông, gây tình trạng quá tải. Trung bình, mỗi cuối tuần, có hàng trăm du khách đến check-in ở đỉnh núi cao thứ 7 Việt Nam.
Tuy nhu cầu tăng vọt, để đảm bảo chất lượng các tour trekking, bên Sỹ chỉ nhận tối đa 20-25 khách/tuần. Với một chuyến đi 2 ngày 3 đêm, chi phí là 3,1 triệu đồng/người bao trọn dịch vụ. Mùa hoa chi pâu dự kiến kéo dài đến cuối tháng 10.
Chiều thứ sáu (11/10), ngay sau khi tan làm, nhóm 12 thành viên của Thừa Hòa hẹn nhau đi xe đêm lên huyện Trạm Tấu. Khoảng 8h hôm sau, cả đoàn bắt đầu leo từ hướng Trạm Tấu và ngủ tại lán nghỉ ở độ cao 2.400m trong đêm đầu tiên.
Hòa kể, theo lời porter (người khuân vác đồ giúp du khách) bản địa, sau cơn bão, Tà Chì Nhù đang là cung trekking phổ biến nhất và được đánh giá là dễ hơn các cung leo núi khác. Bởi vậy, chỉ cần đủ sức bền, mọi người đều có thể leo được, đường đi không quá khắc nghiệt.
Trước khi đặt chân lên đỉnh núi, Hòa đã phần nào hình dung cảnh “1m2 có 10 nàng thơ” nhưng không nghĩ đông đến vậy. Trong chuyến đi của anh, có 2 điểm cao trào nhất khi mọi người tập trung rất đông là đoạn cổng leo ở Trạm Tấu và trên đỉnh Tà Chì Nhù.
“Ở đầu leo, đi một bước, chúng mình phải dừng lại một phút để người phía trước đi. Sau khoảng 1-2km đầu, các nhóm bắt đầu leo với tốc độ khác nhau mới hết tình trạng tắc đường”, chàng trai 26 tuổi chia sẻ.
Với lượng du khách đổ về đông như vậy, Hòa cho biết, việc chụp được bức ảnh check-in mà không vướng người là khá khó.
Khi đoàn của Hòa lên tới đỉnh là 6h, trời mù mịt sương dễ chụp hình hơn. Nhưng phải đợi đến 6h30, mặt trời lên và biển mây kéo đến mới là phút giây tuyệt vời nhất, có sự giao thoa từ làn sương mờ ảo đến bầu trời trong xanh mà Hòa mô tả “cứ giơ máy lên là có ảnh đẹp”.
“Các góc check-in như cột mốc Tà Chì Nhù, hướng mặt trời mọc rất đông, bạn nào muốn chụp phải chủ động xin phép mọi người 1-2 phút để chụp rồi sẽ tới phiên người khác. Cảnh đẹp là phải cùng nhau chia sẻ nên tất cả đều vui vẻ”, anh nói.
Một số nhóm khác lựa chọn ở lưng chừng núi lên sau để vắng hơn nữa.
Khi xuống núi, nhóm của Hòa đi theo hướng Nậm Nghiệp (thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Cảnh sắc chiều về hoàn toàn khác với lúc đi, mang lại cảm giác mới mẻ.
“Mình chắc chắn sẽ quay lại Tà Chì Nhù vì lần này, nhóm hoãn lịch quá lâu nên bị nhỡ mất hoa chi pâu nở rộ nhất. Ngoài đường đi, thời tiết cũng là một phần mang đến sự khác biệt vì tối hôm thứ bảy trời nhiều mây mù, vừa mưa vừa sương nhưng sáng hôm sau đã trong xanh, lên hình rất đẹp”, anh bày tỏ.
Nhóm của Hòa đi tự túc, đa phần không ai quen nhau trước, chỉ là có chung niềm đam mê nên tập hợp lại. Kinh phí mỗi người là 2,5 triệu đồng, nếu đi tour các bên khoảng 3 triệu đồng.
Theo Thừa Hòa, nếu lựa chọn săn mây và ngắm hoa chi pâu trên đỉnh Tà Chì Nhù đợt này, du khách nên rèn luyện sức bền từ trước, đồng thời theo dõi tình hình thời tiết. Điều quan trọng là mang đủ quần áo để không bị lạnh khi nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm nhiều.
Đỉnh Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ 7 của Việt Nam với độ cao 2.979m, nằm trong khu vực bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Ngọn núi này là một trong những địa điểm săn mây lý tưởng, được ví von là “thiên đường mây nơi hạ giới”. Vào thời điểm chưa phải mùa săn mây, Tà Chì Nhù còn có biệt danh “vương quốc nắng và gió” bởi địa hình chủ yếu là đồi trọc nên hầu như không có điểm tránh nắng.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.