Mới đây, Jill Schildhouse, nữ du khách người Mỹ, chia sẻ lại bài học đáng nhớ của mình khi bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam do lỗi sơ suất cá nhân mà khá nhiều người dễ bị mắc phải.
Lần cuối tới Việt Nam cách đây khoảng 6 tháng nên chuyến đi này khiến cô gái người Mỹ rất háo hức. Cô mong chờ quãng thời gian khám phá những thành phố mới ở đất nước hình chữ S.
Sau 33 tiếng di chuyển từ thành phố Phoenix (Mỹ) nối chuyến ở Dallas (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản), máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất tại TPHCM. Chuyến đi dài khiến Jill mệt mỏi nhưng vẫn hào hứng.
Khi máy bay hạ cánh, cô đi thẳng tới khu vực kiểm soát hộ chiếu, mang theo hộ chiếu cá nhân và một bản in thị thực đã đăng ký và được cấp từ hơn một tháng trước đó.
Sau khi nộp 2 giấy tờ trên để đợi đóng dấu nhập cảnh, cô gái Mỹ bất ngờ thấy nhân viên trả lại kết quả kèm theo câu trả lời “Từ chối cho nhập cảnh”.
“Tôi rất bối rối vì đã du lịch tới 46 quốc gia nhưng chưa từng gặp phải vấn đề khi nhập cảnh”, cô nói.
Di chuyển khắp sân bay và xếp hàng chờ đợi, cô tìm được một nhân viên hỗ trợ và nhờ xem giấy tờ của mình gặp phải trục trặc gì.
Hóa ra cô đã nộp 2 tài liệu không trùng khớp nhau. Trên hộ chiếu, tên của cô có phần tên đệm nhưng ở thị thực lại không có.
Nếu tên trên đơn xin thị thực và hộ chiếu không trùng khớp nhau (dù chỉ là tên đệm), nhân viên có thể từ chối không cho khách nhập cảnh. Đây là lỗi sơ suất cá nhân mà Jill không để ý trước đó.
Lúc này, nhân viên tại sân bay nêu ra 2 trường hợp để cô tự lựa chọn. Hoặc cô chấp nhận bay về Nhật Bản (điểm đến trước khi tới Việt Nam), hoặc phải trả phí để làm gấp thị thực mới.
“Tôi không thể bay về Nhật vì dự kiến có chuyến du ngoạn trên sông ở Việt Nam trong vòng 12 tiếng nữa. Bởi vậy tôi đã chọn phương án 2”, cô nói.
Vị khách Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi biết phí làm thị thực mới là 130USD. Tuy nhiên cô chỉ còn 20USD tiền mặt và thẻ tín dụng, trong khi nhân viên nói chỉ nhận tiền mặt.
Tuy nhiên sau cùng vấn đề được giải quyết. Jill được cấp thị thực mới và nhập cảnh vào Việt Nam, bắt đầu chuyến khám phá của mình.
Từ câu chuyện riêng, cô gái người Mỹ cho biết đã nhận được bài học đắt giá không bao giờ quên.
“Tôi đã quên ghi tên đệm của mình trong tờ khai xin làm thị thực. Trên thực tế, thông tin trên hộ chiếu và thị thực phải trùng khớp hoàn toàn kể cả những chi tiết nhỏ”, cô cho biết.
Bên cạnh đó, vị khách Mỹ cho rằng nếu đi du lịch nước ngoài, mỗi người nên chuẩn bị khoản tiền mặt nhất định để phòng trường hợp khẩn cấp.
Được biết, câu chuyện của Jill cũng là vấn đề nhiều du khách từng gặp phải khi du lịch nước ngoài.
Trước đó vào tháng 9, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không khai thác chuyến bay quốc tế tới Việt Nam về việc kiểm soát giấy tờ đi tàu bay với khách nhập cảnh, quá cảnh.
Trong văn bản có đề cập tới số liệu thống kê của ngành hàng không. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, số lượng khách quốc tế tới Việt Nam bị từ chối nhập cảnh tại các cảng hàng không trên cả nước tăng mạnh.
Nếu như năm 2020 có 506 trường hợp, năm 2021 có 5 trường hợp (do ảnh hưởng đại dịch, rất ít chuyến bay thương mại quốc tế tới Việt Nam), thì năm 2023, số khách bị từ chối nhập cảnh là 886 trường hợp. Và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã có trên 600 trường hợp.
Việc gia tăng các trường hợp bị từ chối nhập cảnh có thể gây thiệt hại với hãng vận chuyển, tạo áp lực lên cảng hàng không, gây tiềm ẩn rủi ro mất an ninh, an toàn.
Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ thực trạng trên, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị lực lượng chức năng nơi tàu bay xuất phát (trước khi bay tới Việt Nam) kiểm soát chặt chẽ giấy tờ của hành khách nhằm hạn chế tới mức tối thiểu các trường hợp không đủ điều kiện nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam do nguyên nhân giấy tờ đi tàu bay.
Trước đó, Tổ thường trực Hội đồng đánh giá rủi ro anh ninh hàng không quốc gia cũng đánh giá, từ năm 2022 đến nay trên toàn cầu, việc sử dụng hộ chiếu giả hoặc các vụ việc liên quan tới giấy tờ đi lại trên các chuyến bay quốc tế nói chung có xu hướng gia tăng.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.