Chris Lewis là một blogger người Mỹ có niềm đam mê với ngoại ngữ và du lịch. Trên trang cá nhân thu hút gần một triệu người theo dõi của mình, anh chia sẻ nhiều video trải nghiệm, khám phá văn hóa, ẩm thực ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Chris từng tâm sự, một trong những lý do khiến anh chọn Việt Nam làm nơi sinh sống, thay vì ở nước ngoài, đó là “sự an toàn”.
Sau một thời gian gắn bó với “mảnh đất hình chữ S”, được trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và tiếp xúc với con người nơi đây, nhiều tình cảm trong anh đã nảy sinh. Chàng trai người Mỹ cảm nhận “nơi này như quê hương của mình” và dành nhiều thời gian khám phá.
Hải Phòng là nơi anh từng gắn bó gần 4 năm, nhưng Chris thừa nhận thành phố này có quá nhiều món ăn vặt nổi tiếng nên có những món thậm chí anh chưa từng nghe tới ở Việt Nam. Và món cháo khoái là một ví dụ.
“Vào một ngày mưa, chẳng có gì thú vị hơn là nhâm nhi món ăn nhẹ nóng hổi, thơm ngon, tạo cảm giác ấm nóng trong người. Lúc này tôi đang nghĩ tới cháo khoái”, chàng trai người Mỹ cho biết.
Cháo vốn là món ăn bình dị quen thuộc của người Việt Nam. Món ăn được nấu từ gạo nếp hoặc gạo tẻ, hầm nhừ cùng một số loại thịt rồi cho thêm trứng, chút rau thơm, hạt tiêu nhằm kích thích vị giác. Còn cháo khoái Hải Phòng lại có chút khác biệt.
Vẫn giống như món cháo trắng truyền thống, nhưng khi nấu cháo khoái, người đầu bếp dùng rau ngót tươi rửa sạch xay nhuyễn để vắt lấy nước cốt. Khi cháo gần chín, nước cốt rau ngót đổ vào nồi cháo để món ăn có màu xanh nhạt bắt mắt.
Một số nơi không dùng rau ngót có thể thay thế bằng lá dứa (lá nếp) vẫn tạo ra màu xanh độc đáo cùng hương thơm đặc biệt. Còn nguyên liệu của cháo ngót sẽ có gạo tẻ thơm được xay thành bột mịn để nấu.
Với người yêu bếp sẽ dễ dàng nhận thấy cách nấu này không khác gì món cháo sườn của người Hà Nội. Nhưng cháo khoái đất Cảng lại có mùi thơm dịu nhẹ từ lá rau ngót hoặc lá nếp, với màu xanh đặc trưng.
Để tìm hiểu thông tin, Chris phải lên mạng tra cứu xem cháo khoái được nấu thế nào. Nhắc tới cháo, anh thường hình dung mọi người sẽ ăn vào lúc sáng sớm như bữa sáng lót dạ hoặc buổi xế chiều cho đỡ đói lòng trước giờ cơm tối. Trong khi đó, cháo khoái Hải Phòng thường bán tầm 15h.
Hàng cháo nơi Chris ghé qua của một bà cụ vẫn được thực khách gọi với cái tên thân mật là “dì Yên” nằm ở quận Lê Chân. Cụ bán hơn 20 năm, mở hàng từ 15h và chỉ trong vòng 2-3 tiếng sẽ hết. Bởi vậy, ai muốn ăn cháo bà cụ phải chuẩn bị sẵn tâm lý nên tới sớm.
Gọi là quán nhưng dì Yên chỉ có một gánh hàng đơn giản. Bên trong chiếc gánh truyền thống đầy đủ mọi món đồ phục vụ cho một buổi bán, từ nồi nấu cháo cho tới bát, thìa… Những chiếc ghế nhựa thấp đặt xung quanh để khách tới ngồi ăn.
Lần đầu ăn thử cháo khoái nên vị khách người Mỹ tỏ ra khá háo hức. Anh chăm chú nhìn bà cụ bán hàng chậm rãi múc từng thìa cháo nóng hổi màu xanh ra chiếc tô lớn. Tiếp đó, bà phủ lên trên chút đậu xanh bào mỏng và hành phi thơm giòn rụm.
Nhìn tưởng đơn giản nhưng dì Yên tâm sự để nấu món ăn phải chuẩn bị khá tốn công. Mất nguyên buổi sáng để bà cụ ninh nồi xương thịt heo. Phần nước cốt ngọt lừ được cho vào nồi, đun nhỏ lửa cùng cháo.
“Tất cả hòa quyện thành một hương vị rất đặc biệt, thơm ngon”, vị khách người Mỹ nhận xét.
Lúc thanh toán tiền, Chris càng ngạc nhiên hơn khi biết “thứ thơm ngon này lại có giá 15.000 đồng”, tương đương với 0,6 USD.
“Thật khó tin nó lại rẻ đến thế”, anh nói.
Trước khi rời quán, nam blogger gửi lời chào thân thiện tới người bán hàng và các vị khách đang ngồi ăn. Dì Yên cũng tỏ ra rất vui khi hôm nay quầy hàng của mình được đón một vị khách ngoại quốc. Chris còn hứa sẽ giới thiệu thêm nhiều người tới ăn để quán hàng thêm đắt khách.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.