Đây là vấn đề được các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia đưa ra tại tọa đàm “Du lịch Net Zero: Từ quy hoạch đến thực tiễn” do tạp chí Du lịch TP.HCM phối hợp với một số đơn vị tổ chức, chiều 20/8.
Chi nhiều tiền để đi du lịch Net Zero
Báo cáo du lịch bền vững được Booking.com công bố gần đây cho thấy 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết, họ muốn đi du lịch bền vững hơn. 83% du khách Việt bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi. Và 52% trong đó nói sẵn lòng chi tiền cho du lịch xanh, bảo vệ môi trường như một cách để đảm bảo chắc chắn họ đang tạo ra ảnh hưởng tích cực sau mỗi chuyến đi.
Ông Nguyễn Mạnh Bình San – chủ khu du lịch Làng Nhỏ, đơn vị điển hình trong từng bước triển khai thực hành du lịch Net Zero tại Khánh Hòa cho biết, điểm đến của ông gần đây thu hút nhiều du khách.
Khu du lịch Làng Nhỏ của ông San được quy hoạch bài bản, hòa mình với thiên nhiên ngay từ ban đầu. Khách đến được trekking, tắm suối, tắm ta, thu hái nông sản và thưởng thức nông sản được trồng ngay chính khu du lịch.
“Theo tôi, hình thái du lịch bền vững phải cùng lúc thực hành 3 hành động: Tiết kiệm không gian thiên nhiên môi trường; bối cảnh văn hoá, công trình văn hoá đặc sắc sẵn có và cuối cùng là trách nhiệm hoàn trả những tài nguyên đã khai thác”, ông San nói và cho biết, công thức này đang được Làng Nhỏ áp dụng và càng vui mừng hơn khi được du khách ủng hộ.
Bà Tạ Thị Tú Uyên – Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ Vietravel nhận định, du lịch xanh và bền vững, hướng tới Net Zero là rất cần thiết. Hiện nay, nhu cầu khách hàng khi tìm đến công ty với nhu cầu du lịch xanh tăng cao.
Đó là lý do thời gian qua Vietravel thường xuyên bổ sung sản phẩm tour du lịch xanh, bền vững với những hoạt động cụ thể trong từng hành trình như trồng cây, mua sắm xanh, đồng hành cùng các làng nghề, phổ biến tích cực thông tin đến du khách từ khi vừa bắt đầu hành trình… Công ty cũng có bộ tiêu chí xanh dành cho đối tác đối với những sản phẩm này.
“Sản phẩm du lịch xanh không hề rẻ, đây là sản phẩm kén khách. Khách chấp nhận chi trả đắt hơn so với thông thường. Khi phát triển sản phẩm này, đồng nghĩa chúng tôi cũng có sự chọn lọc từ ban đầu, phải có sự đồng thuận từ nhiều góc độ mới có thể đồng hành cùng nhau”, bà Uyên nói.
Làm Du lịch Net Zero: Không dễ
Dù nhu cầu về du lịch bền vững, Net Zero là có và ngày càng cao nhưng theo các doanh nghiệp, việc này làm không hề dễ dàng.
Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ Vietravel – Tạ Thị Tú Uyên cho rằng, bài toán khó mà doanh nghiệp lữ hành đang phải đối mặt đó là không nhiều nhà hàng, khách sạn đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của doanh nghiệp đưa ra; chưa kể, các tiêu chuẩn quốc tế còn khó hơn.
Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương – chuyên gia thuộc Công ty CP Net Zero Việt Nam cho biết, Net Zero liên tục được nhắc đến gần đây, nhiều nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Trong xu hướng chung, ngành du lịch không thể đứng ngoài cuộc.
Theo ông Phương, Net Zero là trạng thái mà lượng phát thải khí nhà kính vào khí quyển được cân bằng với lượng loại bỏ khí nhà kính ra khỏi bầu khí quyển. Ngành du lịch để làm được điều này, cần có sự chung tay và thực hành từ phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lẫn du khách.
Ông Phương cho biết, hiện nay chỉ một số khách sạn, resort thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, để đón đầu xu hướng và đi trước, ông khuyến nghị các doanh nghiệp, điểm đến cần sớm ý thức và chuyển đổi xanh, thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính để không bị động. Khi đó, doanh nghiệp thậm chí trở thành người dẫn dắt xu hướng và có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TP.HCM, cho rằng cần có sự chung tay của các bên liên quan. Đó là trách nhiệm của tất cả cá nhân, ban ngành, đơn vị hoạt động trong ngành du lịch và có liên quan du lịch, có như vậy mới có thể đạt tới trạng thái lý tưởng của du lịch Net Zero, hướng tới mục tiêu chung là xanh và bền vững.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.