Ngày 27/8, Việt Nam đón đoàn khách Ấn Độ 4.500 người, dẫn đầu bởi một tỷ phú là ông chủ tập đoàn dược phẩm lớn ở Ấn.
Theo chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch, sự kiện đón đoàn khách lớn này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam, là điểm đến lý tưởng cho các sự kiện và hội nghị quốc tế.
Trong tháng 8, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ghi nhận tăng trưởng tốt, sau ba tháng liên tục giảm.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, khách quốc tế tháng 8 đạt 1,43 triệu lượt, tăng 24,5% so với tháng trước và tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đạt hơn 11,4 triệu lượt, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019.
Hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đóng góp gần một nửa tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với hơn ba triệu lượt (chiếm 26%). Trung Quốc xếp vị trí thứ 2, đạt trên 2,4 triệu lượt (chiếm 21%).
Các vị trí tiếp theo lần lượt là Đài Loan (850.000 lượt), Mỹ (529.000 lượt), Nhật Bản (461.000 lượt), Australia (315.000 lượt), Malaysia (313.000 lượt), Ấn Độ (312.000 lượt), Campuchia (295.000 lượt), Thái Lan (274.000 lượt).
Về tốc độ tăng trưởng, tính chung 8 tháng đầu năm 2024, hầu hết các thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường thuộc khu vực Đông Bắc Á: Trung Quốc (tăng 157,7%), Hàn Quốc (tăng 32,4%), Nhật Bản (tăng 32,0%), Đài Loan (Trung Quốc) (tăng 70,6%).
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, Australia đang là thị trường tiềm năng với mức tăng trưởng khả quan, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả từ các hoạt động kết nối, hợp tác xúc tiến du lịch của ngành, các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam với các đối tác của Australia thời gian qua.
Khách Ấn Độ cũng tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh tiềm năng lớn của thị trường này.
Các thị trường khu vực châu Âu cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm (+42,7%). Cụ thể, một số thị trường chính như Anh (+22,0%), Pháp (+30,1%), Đức (+25,6%), Nga (+80,4%), Italia (+64,0%), Tây Ban Nha (+34,7%)…
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao.
Cùng với đó, gần đây du lịch Việt Nam liên tiếp “ghi điểm” khi trở thành một trong những điểm đến an toàn trên thế giới.
Trong khuôn khổ lễ trao Giải thưởng World Travel Awards cho khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2024 diễn ra tối 3/9 tại thủ đô Manila, Philippines, ở cấp quốc gia du lịch Việt Nam tiếp tục được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”.
Ở cấp địa phương, Thủ đô Hà Nội dành hạng mục “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” và “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á”.
TP.HCM tiếp tục giành giải “Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á” và “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”. Giải thưởng “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” lần thứ 5 đã gọi tên đô thị cổ Hội An. “Viên ngọc xanh” Mộc Châu lần thứ 3 liên tiếp đạt giải thưởng “Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á”…
Do đặc điểm về thời tiết, khí hậu, mùa cao điểm đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 9, 10 đến hết tháng 3, 4 năm sau. Do đó, ngành du lịch kỳ vọng cuộc bứt tốc vào những tháng cuối năm để đạt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách trong năm nay.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.