Ngày 11/6, mạng xã hội chia sẻ đoạn video nhóm khách Tây giúp bà con Ninh Bình chạy lúa khi trời dự báo mưa. Không ngần ngại, du khách mỗi người một tay cào, một tay chổi, cùng giúp đỡ bà con nông dân.
Đoạn video nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, được nhận xét là “một trải nghiệm du lịch tuyệt vời”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Lê Thị Quỳnh Hoa, 25 tuổi, cho biết trong lúc đi chơi đoạn Tam Cốc – Bích Động (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lưu, Ninh Bình) hôm 10/6, cô bắt gặp 4-5 khách Tây thu lúa giúp người dân nên đã dừng lại quay video làm kỷ niệm.
“Lúc đó, trời xuất hiện sấm chớp, dự báo mưa. Vì sợ trời mưa ướt lúa, bà con vội vàng thu gom, nhóm khách Tây rất hào hứng giúp người dân”, cô nói.
Quỳnh Hoa cho hay khách quốc tế đến Ninh Bình gần như “hòa tan”, không chỉ “chạy lúa” mà trước đây họ từng cấy và gặt lúa.
Một số gia đình mở dịch vụ homestay (lưu trú), mỗi khi đến vụ cấy hoặc gặt lúa, du khách nước ngoài nhiệt tình trải nghiệm “một ngày làm nông dân”.
“Tôi thấy kiểu làm du lịch nông nghiệp rất thú vị. Hi vọng những video này giúp mọi người vui vẻ, có cái nhìn dễ thương hơn về Việt Nam và con người ở Tam Cốc – Bích Động”, Hoa tâm sự.
Những năm gần đây, khách nước ngoài đến Ninh Bình không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của di sản thế giới Tràng An mà còn được làm nông dân. Họ không ngại xắn áo quần, lội ruộng cấy lúa, tát nước, bắt cá…
Nhiều vùng quê ở Ninh Bình như Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư… không còn xa lạ với hình ảnh khách Tây lội ruộng tham gia sản xuất như nông dân Việt.
Những cánh đồng lúa trải dài vàng rộng khắp các vùng quê luôn cuốn hút du khách quốc tế đến check-in.
Không riêng Ninh Bình, du khách cũng chi tiền lên Sa Pa (Lào Cai) học cấy lúa, lội ruộng và cưỡi trâu.
Anh Vàng A Sấu, 26 tuổi, hướng dẫn viên người Mông bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp ở Sa Pa, cho biết một đoàn khách gồm những sinh viên người Pháp theo học ở Hà Nội, tới Sa Pa du lịch đã trải nghiệm cấy lúa như đồng bào người Mông.
Sau một ngày thử làm người nông dân, cuối buổi cả đoàn quây quần bên nhau quanh mâm cơm thân mật, thưởng thức các món ăn địa phương.
Cũng trong chuyến đi này, anh Sấu còn đưa khách đi tắm suối, tập cưỡi trâu, đập lúa và xem người dân làm một số món ăn quen thuộc như gói nem, giã bánh dày.
Anh Đỗ Ngọc Phúc, một hướng dẫn viên du lịch chuyên nhận khách thị trường Tây Ban Nha và tiếng Anh, cho hay nhiều khách nước ngoài rất thích trải nghiệm cuộc sống đời thường của người Việt như làm ruộng, gặt lúa, hái rau.
“Có người chỉ sống ở thành phố, cả đời chưa từng nhìn thấy con trâu, cây chuối ngoài đời thực. Khi được tôi chia sẻ những điều thiết thực này, họ thích thú, muốn tận tay sờ xem da trâu dày mỏng ra sao, lội ruộng là thế nào.
Ban đầu, mọi người đa phần còn hơi rụt rè, nhưng được hướng dẫn viên và người địa phương khuyến khích, họ thích lắm”, Phúc kể lại.
Du lịch nông nghiệp là loại hình mang đến trải nghiệm các phương thức sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân địa phương.
Những tour du lịch trải nghiệm đồng quê giúp khách nước ngoài cảm nhận được nền văn hóa lúa nước lâu đời của Việt Nam. Từ việc làm đất, gieo mạ, cấy lúa hay các công cụ đánh bắt cá thô sơ của người Việt.
Bên cạnh đó, các nông trại với các vật nuôi, các loại trái cây hoa quả của người dân cũng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, cùng ăn cùng ở với bà con nông dân.
Trong Tuần Du lịch 2024 “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An” (diễn ra từ ngày 1 đến 8/6), Ninh Bình đón 285.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 61.000 lượt.
Công suất sử dụng phòng khách sạn toàn tỉnh đạt từ 70-75%. Riêng tại Tam Cốc, công suất sử dụng phòng trung bình đạt 85-90%.
Ngoài Tam Cốc, lượng khách đến tham quan chùa Bái Đính, Tràng An, hang Múa, Thung Nham, Phố cổ Hoa Lư… cũng rất đông.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.