“Ai cũng sốc khi tôi nói sẽ lặn cùng cá mập”
Anh Trần Thanh Tâm, 31 tuổi, sống tại TPHCM, vừa kết thúc chuyến lặn biển 7 ngày tại đảo Fuvahmulah (Maldives). Anh tiết lộ đã chi khoảng 2.000 USD (gần 50 triệu đồng), sử dụng dịch vụ liveaboard – dạng tàu như một khách sạn nổi đầy đủ tiện nghi phục vụ cho việc lặn biển.
Chuyến đi kéo dài từ ngày 16/3 đến 22/3, gồm 23 người trên tàu, với sự hỗ trợ của các thợ lặn bản địa giúp khám phá an toàn. Các thành viên tham gia đến từ nhiều nước trên thế giới cùng chung đam mê lặn biển, thích tìm hiểu về cá mập. Anh Tâm là người Việt duy nhất trong đoàn.
“Chiêm ngưỡng và lặn cùng cá mập là mục tiêu lớn nhất mà tôi đặt ra khi tham gia bộ môn lặn bình dưỡng khí”, nam du khách nói.
Trước đó, anh Tâm có sở thích đọc sách về các điểm lặn, phát hiện đảo Fuvahmulah ở Maldives là một trong những điểm duy nhất tại châu Á mà du khách có thể tiếp xúc gần với cá mập hổ – một trong ba loài cá mập hung dữ nhất thế giới. Anh quyết định tìm hiểu, đặt vé và tìm kiếm tàu cho chuyến đi dự tính khoảng 2 tuần.
“Ai cũng sốc khi tôi nói sẽ lặn cùng cá mập. Bản thân tôi cũng có chút hoài nghi về sự an toàn của chuyến đi. Nhưng vì đam mê, vì mục tiêu đã đặt ra, tôi quyết tâm thực hiện”, anh nói, cảm ơn sự hậu thuẫn từ vợ – người luôn hỗ trợ, thấu hiểu tình yêu động vật và đam mê khám phá của anh.
Để tham gia tour lặn ngắm cá mập, các thành viên trong đoàn thường được yêu cầu kinh nghiệm ít nhất 100 lần lặn. Theo anh Tâm, cá mập sống ở vùng nước có dòng chảy mạnh nên người lặn thường gặp rất nhiều khó khăn, phải bơi ngược dòng chảy để tiến đến các vị trí chúng sinh sống.
Trong khi đó, lặn ngược dòng chảy được xem là “cơn ác mộng” của những người chơi lặn bình dưỡng khí vì tiêu hao nhiều sức lực, lượng dưỡng khí trong bình rút ngắn thời gian ở dưới nước và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giây phút chạm mặt cá mập khát máu
Anh Tâm khởi hành từ TPHCM, bay đến Kuala Lumpur (Malaysia), sau đó nối chuyến bay đi Maldives. Sau một chuyến bay nội địa khác, anh đến đảo Komodo (Indonesia) nơi tàu chờ sẵn, bắt đầu hành trình đến đảo Fuvahmulah – nơi ngự trị của cá mập hổ.
“Các chặng bay khác nhau đòi hỏi phải đúng giờ. Dù chuẩn bị rất kỹ, tôi vẫn phải đổi vé vì chuyến bay từ Kuala Lumpur đi Maldives bị thay đổi giờ bay”, anh kể.
Trên đường đi, chàng trai Việt đã tập lặn để làm quen điều kiện nước của Maldives, đồng thời nhờ hướng dẫn viên bản địa đánh giá khả năng dưới nước của bản thân. Lênh đênh trên tàu hai ngày, đoàn đến Fuvahmulah – nơi mà anh Tâm mong chờ nhất.
Khi lặn xuống độ sâu 20m và bơi khoảng 5 phút, anh bắt gặp con cá mập hổ đầu tiên. Đó là con đực, dài khoảng 3m, tiến sát gần anh, cách khoảng 2m có thể chạm vào nhau.
“Ban đầu vừa lặn xuống, tôi nghĩ thật khó để thấy được cá mập, hoặc nếu thấy cũng chỉ ở khoảng cách xa. Dù đã được hướng dẫn các kỹ năng khi đối diện cá mập, giây phút đầu chạm mặt chúng, tôi đã rất sợ hãi”, anh nói.
Sau đó, cá mập xuất hiện nhiều hơn, từ 3 đến 5 con đủ kích thước, to nhất từ 4m đến 4,5m, bơi xung quanh nam du khách.
Chúng đều được đặt tên riêng theo ngoại hình cũng như tính cách, như “cướp biển” là tên của chú cá mập bị chột mắt sau khi đánh nhau, “tham ăn” là con cá mập có 2 lưỡi câu móc bên miệng, bản tính háu ăn.
Khác với những lần “săn” cá mập nhỏ, thường bỏ trốn khi có sự xuất hiện của con người, anh Tâm nhận thấy tính cách cá mập hổ rất khác. Chúng dò xét con người rất kĩ, tự tin tiến đến kiểm tra từng người.
Cá mập hổ cũng không tranh giành hay đánh nhau với đồng loại để kiếm phần ăn được bố trí trước đó bởi các thợ lặn bản địa. Chúng điềm tĩnh moi những đầu cá ngừ ra khỏi hốc đá.
“Cá mập hổ không hề dữ tợn, hung hãn như các bộ phim khắc họa. Trước mắt tôi, chúng chỉ là những chú cá to lớn và ham ăn”, anh Tâm nói.
Khi anh sử dụng thiết bị chuyên dụng chụp ảnh cá mập hổ, xung quanh anh có đến 6 con đang bơi. Nam du khách thừa nhận chụp ảnh trên bờ đã khó, tác nghiệp dưới nước là thách thức, do nhiều tác động từ môi trường nước, điều kiện ánh sáng, vị trí chụp.
Cá mập tiến sát anh Tâm, dùng đuôi đập 2-3 lần vào máy ảnh chuyên dụng của anh để kiểm tra xem đó là gì. Lúc đó, anh khá hoảng hốt, không hiểu sao con vật lại hành động như vậy.
Sau khi kết thúc hành trình, hướng dẫn viên giải thích cá mập có các giác quan siêu đặc biệt ở đầu mũi và 2 bên vùng đuôi, có thể cảm nhận được sóng âm nên mỗi khi máy ảnh tạo ra sóng âm lạ, chúng sẽ tiến đến gần kiểm tra.
Điều này đồng nghĩa với việc cá mập có thể cảm nhận nhịp tim và phổi của con người để biết đối phương có hoảng sợ hay không.
(Anh Tâm còn “săn” được các loài cá mập khác trong chuyến đi lần này).
“Chuyến đi tuyệt vời nhất cuộc đời tôi”
Ngoài cá mập hổ, trong chuyến đi này, anh Tâm còn “săn” được 5 loài cá mập khác, từ nhỏ đến lớn gồm: cá mập rạn vi trắng (Triaenodon obesus), cá mập sọc trắng, cá mập bạc, cá mập đuôi dài và cá mập voi khổng lồ.
“Ấn tượng nhất với tôi là cá mập hổ – loài vật mà tôi vô cùng hồi hộp và mong chờ được gặp nhất. Rất ít nơi trong khu vực châu Á có thể gặp được loài này như ở Maldives”, anh nói.
Điều anh tâm đắc nhất từ chuyến đi “để đời” là “nếu bạn không thử, thì bạn sẽ không biết được”.
Với phương châm này, chàng trai Việt đã tìm thấy loài cá mập hổ mong ước từ lâu. Trải nghiệm này mang đến những khác biệt so với những gì khắc sâu trong tâm trí anh về loài cá hung hãn và khát máu.
“Trước mắt tôi chỉ là những em cá ham ăn, là loài vật có những giác quan siêu đặc biệt, xứng đáng với cái tên loài săn mồi đỉnh cao mà giới khoa học thường dành cho cá mập”, anh nói.
Khó khăn lớn nhất với anh là phải chiến đấu với lặn ngược dòng chảy, chịu sức ép nước và chịu hội chứng nito do sử dụng hơi nhiều tạo khí nito trong cơ thể. Điều này khiến anh cảm giác nhức đầu trong quá trình lặn.
Có những lúc anh đã tự hỏi tại sao bản thân phải cố chịu đựng những nỗi đau này, nhưng khát khao chiêm ngưỡng cá mập đã giúp anh vượt qua thử thách.
Chàng trai Việt đã tham gia lặn biển được 2 năm, nhiều lần khám phá các vùng biển của Thái Lan, Indonesia, gần đây nhất là Mauritus – nơi anh tìm thấy loài cá voi lưng gù và cá nhà táng.
Thông thường vào tháng 3 hàng năm, anh sẽ tham gia một chuyến phiêu lưu, nhằm kỷ niệm ngày sinh nhật.
Tương lai, anh Tâm đặt mục tiêu “săn” các loài vật khác từ dưới biển đến trên bờ bởi một tình yêu đặc biệt với chúng. Anh dự kiến đi xa hơn để tìm kiếm cá mập trắng khổng lồ và cá voi sát thủ.
“700km cùng nhau trên một con tàu khám phá dọc Maldives, vượt qua cả đường xích đạo, vượt cả những gì có thể tưởng tượng và mong chờ, đây là chuyến đi tuyệt vời nhất cuộc đời tôi”, anh nói.
Ảnh, video: Trần Thanh Tâm
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.