Chạy sô ngắm cảnh, thảnh thơi mua hàng
Bạn chị Hoa vừa thử khảo giá trên mạng thì thấy loại cao dán loại này cũng có thể mua qua ứng dụng mua hàng tại Việt Nam, giá rẻ hơn 50.000 đồng/gói. Nhóm của chị Hoa mua mỗi người 4-5 gói, tính ra bị đắt gần 1 triệu đồng.
“Lúc đó, tôi đang định mua lọ kem trị bỏng được người bán giới thiệu có công dụng trị bỏng, viêm da, côn trùng đốt. Nhưng bạn kiểm tra trên mạng thì thấy loại này ở Việt Nam cũng bán, giá rẻ hơn hẳn. Chúng tôi có cảm giác như vừa bị lừa”, chị Hoa kể lại trải nghiệm mua sắm trong lần đi du lịch tới Vân Nam, Trung Quốc cách đây ít lâu.
Theo chị Hoa, các tour du lịch Trung Quốc đi qua cửa khẩu bằng giấy thông hành thu hút du khách bởi giá thành rẻ, thủ tục đơn giản. Chị Hoa và hai người bạn vì thế cũng đặt một tour du lịch tham quan các điểm Hà Khẩu, Bình Biên, Di Lặc, Kiến Thủy, Mông Tự (tại Vân Nam) Trung Quốc.
Chuyến đi 3 ngày, 3 đêm có tổng chi phí là 5 triệu đồng (bao gồm cả tiền bồi dưỡng cho lái xe và hướng dẫn viên).
Theo sắp xếp của công ty du lịch, chị Hoa cùng bạn di chuyển bằng ô tô đêm hôm trước và nghỉ ngơi tại một khách sạn ở gần Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Sáng hôm sau, cả đoàn dậy thật sớm, ăn sáng để di chuyển ra cửa khẩu xếp hàng chờ nhập cảnh vào Trung Quốc.
“Chương trình đi 3 ngày nhưng chúng tôi đã mất hơn nửa ngày đầu để làm thủ tục tại cửa khẩu, tính ra, chúng tôi chỉ còn 2,5 ngày để tham quan. Các điểm đến cách khá xa nhau từ 80-100km nên chúng tôi mất khá nhiều thời gian di chuyển. Ấy vậy mà, đơn vị dẫn tour vẫn “nhét” nhiều chương trình đi mua sắm tới các điểm mà họ đã chuẩn bị từ trước, tính ra thời gian cũng gần một ngày”, chị Hoa kể.
Theo chị Hoa, điều thú vị của chuyến đi là chị được tham quan nhiều điểm đến đẹp như làng Miêu Tích Thủy để tìm hiểu văn hóa, đời sống của người Miêu ở Trung Quốc, thành Cổ Kiến Thủy – thành phố cổ kính với nhiều di sản vào cuối triều đại nhà Thanh.
Chị Hoa cũng được tham quan Triều Dương Lầu – một trong những biểu tượng lịch sử lâu đời của Kiến Thủy, một thị trấn quan trọng ở miền Nam Vân Nam hay đến Chu Gia Hoa Viên – nơi ở của một gia đình quý tộc vào cuối triều đại nhà Thanh.
“Tôi thực sự ấn tượng với các điểm đến bởi sự hoành tráng và các câu chuyện lịch sử ly kỳ, được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ Trung Hoa hay kỹ thuật chạm khắc tinh tế”, chị Hoa nói.
Khách Việt tham quan và khám phá cuộc sống, con người ở Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Hồng Anh).
Chuyến đi của chị Hoa sẽ thật trọn vẹn nếu không có những trải nghiệm mua sắm không mấy vui vẻ mà như chị Hoa chia sẻ là du khách “bị đưa vào thế đã rồi”, “mua hớ rồi mới biết”.
Chị Phạm Thúy Thanh (35 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), người bạn đồng hành cùng chị Hoa chia sẻ, điều khiến chị bất bình nhất là khi đến các thắng cảnh, các di tích, hướng dẫn viên quy định thời gian rất sát từ 20-30 phút đến một tiếng đồng hồ/mỗi điểm. Khách du lịch vì thế nháo nhào ngắm cảnh, chụp ảnh rồi lại rồng rắn lên xe di chuyển tới điểm đến tiếp theo.
Hầu hết khách Việt trong đoàn không biết tiếng Trung Quốc, người Trung Quốc tại nơi nhóm chị Hoa tới tham quan cũng không sử dụng tiếng Anh nên những du khách như chị Hoa, chị Thanh chỉ còn biết nhất nhất nghe theo thời gian biểu mà hướng dẫn viên đưa ra.
Ngày thứ hai của chuyến du lịch, buổi sáng chị Thanh, chị Hoa được đưa đi tham quan núi Cẩm Bình và Đông Phong Vận – một làng gốm độc đáo tại Vân Nam.
Hai địa điểm này cách xa nhau hơn 10km. Mỗi điểm có nhiều tổ hợp cảnh đẹp, kiến trúc mà có dành cả ngày du khách cũng chưa khám phá hết nhưng 2 du khách Việt chỉ được lướt qua trong một buổi sáng.
“Đến bất cứ điểm nào chúng tôi cũng bị thúc giục tham quan thật nhanh, chụp ảnh thật nhanh. Cánh đồng hoa, bảo tàng ở Đông Phong Vận rất đẹp và rộng nhưng chúng tôi cũng chỉ kịp ngó nghiêng một chút. Nhiều người còn chẳng kịp nghỉ ngơi uống nước hay đi vệ sinh đã bị giục lên xe”, chị Thanh kể.
Đông Phong Vận – một làng gốm độc đáo tại Vân Nam. Nơi đây có những cánh đồng hoa đẹp ngút ngàn (Ảnh: Hồng Anh).
Chiều cùng ngày, họ được hướng dẫn viên đưa đến tham quan triển lãm tơ lụa, ghé thăm cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm lụa Vân Nam, trải nghiệm ngâm chân thuốc Bắc, bắt mạch bởi lương y người Trung Quốc…
“Hướng dẫn viên giới thiệu rằng, đây là các điểm mua sắm thuộc chương trình hợp tác thương mại Việt -Trung, được hỗ trợ ưu đãi giá, khách thậm chí được thanh toán bằng tiền Việt.
Họ còn nhấn mạnh, tour du lịch cũng được chương trình này hỗ trợ nên mới có giá rẻ thế. Chúng tôi nghe thì biết vậy chứ không rõ thực hư thế nào. Nhiều du khách thì khá tin tưởng và an tâm mua sắm”, chị Hoa kể.
Ma trận tiếp thị khiến khách Việt rút ví mua hàng
Theo chị Hoa, “triển lãm” tơ lụa thực chất là một căn phòng trưng bày một số bộ quần áo, vải vóc, khung dệt lụa tơ tằm. Tại đây, có một nhân viên người Việt phát thẻ VIP cho khách và tiếp đón đoàn rất nhiệt tình.
Khách Việt dạo quanh và nghe nhân viên này giới thiệu chưa đầy 5 phút đã hết “triển lãm”. Tuy nhiên, chương trình chưa dừng lại ở đó.
Nữ nhân viên người Việt mời cả nhóm du khách gần 40 người ngồi chen chúc trong một căn phòng để cô này giới thiệu các sản phẩm khăn, chăn, ga, gối hay mỹ phẩm làm từ tơ tằm.
Bên cạnh căn phòng này còn có rất nhiều căn phòng có thiết kế tương tự (có rèm kéo, bày sẵn hàng hóa, có hàng chục ghế ngồi kê sẵn) dường như để sẵn sàng phục vụ nhiều đoàn khách cùng lúc.
Chị Thúy Thanh nhớ lại, nữ nhân viên giới thiệu rất kỹ về công dụng của các loại kem dưỡng da mắt, kem dưỡng da mặt từ tơ tằm.
Tiếp theo sau, cô gái không ngại ngần mở bung nhiều gói chăn, ga, gối để giới thiệu từng loại làm từ tơ tằm nổi tiếng của Vân Nam. Theo lời giới thiệu, các loại chăn ga gối vừa mát về mùa hè, ấm vào mùa đông, dễ dàng thoát khí thông hơi không gây bí bách cho người dùng.
Giá của một bộ loại này có giá trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, vì được hỗ trợ trong “chương trình hợp tác Việt – Trung” nên giá sản phẩm chỉ còn một nửa bao gồm cả ga, gối, vỏ chăn, ruột gối…
Nhiều người trong đoàn mệt mỏi rời khỏi phòng nhưng nữ nhân viên vẫn nở nụ cười tươi thuyết phục và giảm giá, tặng kèm quà. Thậm chí, người mua đầu tiên còn được giá tốt nhất chỉ hơn 2 triệu đồng.
“Sau khi có người mua đầu tiên, nữ nhân viên lại tung chiêu bán hàng theo nhóm. Càng nhiều người mua giảm giá càng nhiều. Ngồi nghe gần một tiếng đồng hồ, lại bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông, nhiều du khách lúc đầu kiên quyết không mua cũng đã chịu rút ví. Giá của bộ chăn, ga, gối cuối cùng chỉ gần 3 triệu đồng”, chị Thanh nhớ lại.
Chị Vũ Thị Hoài, việc thanh toán rất dễ dàng. Du khách có thể thanh toán bằng tiền Việt hoặc chuyển khoản ngân hàng qua tài khoản của người Việt Nam tại đó.
Theo chị Hoa, các sản phẩm này đều được bán trên các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam với giá rẻ hơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Nghe nhân viên năn nỉ, rồi liên tiếp hạ giá, mời chào, vì muốn mua được giá hời, người này lại thuyết phục người kia nên chúng tôi cuối cùng cũng bị thuyết phục mua hàng”, chị Hoài nói.
Rời căn phòng tơ tằm, nhóm du khách được đưa sang căn phòng bán thảo dược và các loại thuốc Bắc cách đó chỉ vài chục mét.
Tại đây, các du khách Việt được ngâm chân thảo dược. Nữ nhân viên bán chăn khi nãy nhanh chóng thể hiện sự am hiểu về các loại thảo dược và giới thiệu các sản phẩm như cao dán trị đau cơ, đau xương; thuốc trị bỏng, trị viêm da, trị ho, thuốc bổ cho người suy nhược cơ thể, bệnh nhân ung thư và túi thảo dược ngâm chân…
Nhóm của chị Hoa đã chi gần 2 triệu đồng mua túi thảo dược ngâm chân, cao dán. Đến khi chị Thúy Thanh chụp hình sản phẩm tải lên mạng và thử tìm kiếm trên các chợ thương mại điện tử ở Việt Nam thì thấy có sản phẩm tương tự được bán với giá mềm hơn rất nhiều.
“Khi tôi biết mình mua hớ cũng đã muộn. Nhóm chúng tôi cũng đã tiêu tốn khoảng 5 triệu đồng tại đây”, chị Hoa nói.
Tưởng rẻ mà không rẻ
Theo chị Hoa, tại khu vực này, du khách còn được trải nghiệm khám bệnh Đông y bởi thầy thuốc người Trung Quốc. Vị lương y này sau khi khám thường khuyên du khách nên dùng một số vị thảo dược. Tuy nhiên, những lời ông nói chỉ mang tính chất tham khảo còn việc mua hay không là tùy du khách.
Thời gian nhóm của chị Hoa cùng nhiều du khách Việt lưu lại điểm bán tơ lụa, thảo dược này là gần 3 tiếng đồng hồ. Suốt thời gian này, nhóm khách không hề bị hướng dẫn thúc giục về mặt thời gian.
Chưa dừng lại ở đó, sáng hôm sau, họ tiếp tục được đưa đến một cửa hàng khác để nghe tiếp thị về những loại trà (chè) đặc sản đắt đỏ trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số tour du lịch Vân Nam, Trung Quốc ngắn ngày qua cửa khẩu đã đưa chương trình đi mua sắm tại cửa hàng tơ lụa, thuốc Bắc, trải nghiệm khám bệnh Đông y trong chương trình.
Nhiều du khách như nhóm của chị Hoa dù biết trước nhưng vẫn chấp nhận mua tour vì thấy giá các tour phải chăng, vừa túi tiền.
Tuy nhiên, khi đến các điểm tham quan này, họ sẽ khó tránh khỏi ma trận mua sắm, khuyến mại mà hướng dẫn viên hay các nhân viên bán hàng đưa ra. Vì thế, nhiều khách Việt tưởng mua được tour rẻ nhưng lại thành đắt khi cộng thêm các chi phí mua hàng ngoài dự tính.
Chia sẻ về chất lượng các sản phẩm trong chuyến du lịch, chị Hoài cho hay: “Bộ chăn mua về tôi xếp xó vì khi đắp thấy rất bí, thuốc thảo dược hay cao dán ngâm chân tôi đem tặng mẹ nhưng mẹ tôi bảo rằng, dùng xong không thấy có tác dụng gì”.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.