Tết năm nay với tôi có một điều đặc biệt. Chuyện là trước Tết trong lúc dọn dẹp nhà cửa, tôi vô tình tìm gặp chiếc áo dài cũ của mẹ nằm im trong ngăn tủ nhỏ.
Chiếc áo nền trắng, in hoa văn lập thể đỏ, xanh, vàng như còn mới nguyên, y như trong ký ức của tôi về những mùa Tết năm ấy, như trong tấm ảnh mẹ chụp khi xưa mà tôi hay xem trong quyển album ảnh của gia đình. Chiếc áo dài gợi lên trong tôi bao cảm xúc về một thời khốn khó.
Đó là chiếc áo mẹ mua cách nay đã ba mươi năm. Khi ấy quê tôi còn là một xóm nghèo, đường làng lộ đất, xa xa có mấy căn nhà lá nằm chơ vơ giữa mênh mông ruộng đồng, sông nước.
Thời đó cũng không được mấy người sở hữu riêng cho mình bộ áo dài. Các cô, các chị có lẽ chỉ mặc áo dài duy nhất vào ngày trọng đại của đời mình – ngày vu quy. Và mẹ tôi cũng vậy, chiếc áo dài đầu tiên mẹ có là được may từ mảnh vải của bà nội tặng hôm dạm ngõ.
Mẹ nói điều này như là thông lệ, ngày coi mắt, trong những lễ vật nhà trai mang sang nhà gái, nhất định phải có tấm vải tặng nàng dâu để may bộ áo dài mới cho ngày xuất giá.
Tháng giêng năm 1974, trong chiếc áo dài màu hồng cánh sen, mẹ trở thành cô dâu mới, theo cha về với xứ Long Điền Đông. Xứ nước mặn đồng chua quanh năm chỉ trông chờ vào một vụ mùa duy nhất khi mưa xuống, năm nào lúa trúng vụ, giá cao thì còn kham đến mùa sau. Còn như gặp cảnh sâu rầy, dịch bệnh, mùa vụ thất bát thì mẹ cha phải chạy vạy mỗi nơi một ít để lo cho cái ăn, cái mặc, con cái học hành.
Vậy rồi đến tận cái Tết năm 1994, khi đã qua rồi cái thời xuân sắc, khi đã là mẹ của ba đứa con, mẹ mới một lần nữa được khoác lên mình bộ áo dài (lúc này, nhờ người quen giới thiệu nên mẹ đi nấu cơm cho bếp ăn của xí nghiệp tôm ngoài Giá Rai).
Trong suốt hai mươi năm ấy, rất nhiều lần đi chợ Tết, mẹ tần ngần nhìn ngắm hoài những tấm vải mới treo trên sạp mà nghĩ ngợi. Nhưng rồi đồ mới cho con, bánh mứt sắm sanh ngày Tết… và còn ti tỉ thứ khác vội xua đi ý nghĩ trong mẹ về một bộ áo dài mới mỗi độ xuân về.
Nhưng chiếc áo dài thứ hai trong đời mẹ không phải là chiếc áo mới đúng nghĩa, không được may cắt theo ni của mẹ, bởi nó được mua từ đống “quần áo si đa” đổ đống ngay lề đường trước chợ Hộ Phòng với giá hai mươi lăm ngàn đồng, cũng vào hôm gần Tết mẹ đi chợ mua thức ăn về nấu cơm cho công nhân.
Tôi hỏi mẹ sao không may áo mới mà mua áo cũ, mẹ nói tại… ngán tiền. Mỗi tháng lãnh lương có hơn ba trăm ngàn, nếu mua vải rồi tiền công cắt may thì một bộ cũng tốn bảy tám chục ngàn. Số tiền đó để dành gửi về quê cho mấy chị em tôi.
Hồi ấy chỗ mẹ làm cách nhà tôi gần hai mươi cây số. So với điều kiện giao thông thuận tiện như bây giờ thì nghe ra rất gần. Nhưng vào ba mươi năm trước, cách trở đò giang, đường đất bụi bay mù và với tâm lý một đứa trẻ lên năm, lên sáu phải xa mẹ như tôi thì đó là một khoảng cách xa xôi lắm.
Khi đó mỗi lần nghe tiếng tàu đò tóp máy xa xa là tôi chạy riết ra lộ, ngóng chiếc tàu, mong nó cập bến, rồi mẹ sẽ bước lên nhà. Và mong hơn nữa là mỗi dịp hè, cha sẽ xếp mấy bộ quần áo của tôi vô cái cặp chà và, đưa tôi ra ngoài xí nghiệp ở với mẹ đến khi nhập học.
Có khi hai cha con đón tàu đò đi từ hừng sớm ra chợ Láng Tròn, từ chợ Láng Tròn bắt xe lôi đi xuống Nọc Nạng tới chỗ mẹ làm. Cũng có khi trời nắng, đường khô thì cha mượn xe đạp của cậu Hai, lộc cộc chở tôi đi trên con đường lộ đất ngoằn ngoèo ra ngoài ấy. Nắng nóng, gió bụi phía sau, trước mặt tôi là tấm lưng cha đẫm mồ hôi cùng sự háo hức trông chờ được gặp lại mẹ sau bao ngày xa cách.
Khoảng trời ấu thơ có những ngày nhớ mẹ luôn đi theo tôi từ bấy đến nay, cho nên khi nhìn thấy chiếc áo dài, nó như được sống lại, đầy ắp yêu thương cùng một nỗi niềm rưng rức.
Tôi đem chiếc áo dài của mẹ theo lên tỉnh, mặc đi dạo chợ xuân, qua nhiều con đường, phố hoa vào dịp Tết này. Trước nay, tôi vốn tự ti về ngoại hình của mình, nhưng lần này thì khác. Giữa bao nhiêu chiếc áo dài rực rỡ sắc màu, trong nhiều dáng hình thiếu nữ xinh đẹp thướt tha, lần đầu tiên tôi thấy mình đẹp nhất, và đặc biệt nhất.
Bởi tôi biết, mình không phải đang khoác lên người chiếc áo dài cũ bình thường, mà đang được ấp ôm bởi kỷ niệm thiêng liêng, bởi ký ức một thời gian khó có tình yêu thương bao la trời biển của mẹ cha.
Cuộc thi “Khoảnh khắc Tết của tôi” đã hết hạn nhận bài
Diễn ra từ 25-1 đến hết 24-2, cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Ban tổ chức đã nhận được gần 600 bài viết của độc giả gửi về trong 1 tháng qua. Hơn 50 bài đã và đang được lựa chọn đăng tải trên Tuổi Trẻ Online. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã gửi bài dự thi và theo dõi cuộc thi diễn ra trong dịp Tết Giáp Thìn năm nay.
Một số bài viết sẽ tiếp tục được đăng tải trong thời gian tới.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.