Anh em tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, sau năm 2000. Nhiều người gọi là thế hệ Gen Z.
Cũng chính do sinh ra và lớn lên vào thời kỳ công nghệ, Internet bùng nổ, anh em tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác không rành lắm về ý nghĩa của việc người người, nhà nhà tất bật lo đón tết cổ truyền.
Và cũng do sinh ra và lớn lên ở trung tâm đô thị lớn nên anh em tôi “thiệt thòi” nhiều hơn các bạn cùng trang lứa sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Chúng tôi có một khoảng trống về ký ức tuổi thơ với những nồi bánh chưng, bánh tét; và nhiều thứ khác mang tính truyền thống mà chỉ có ở vùng quê còn lưu giữ.
Vốn là con trai trưởng trong một gia đình gốc Huế, ba tôi là người có ý thức rất cao về trách nhiệm lưu giữ nếp nhà.
Ba thường nói: Ông bà, cha mẹ và truyền thống quê hương là cái gốc của mỗi người. Dù đi đâu, làm gì thì ai ai cũng phải tự nhủ lòng trách nhiệm hướng về cội nguồn, giữ gìn truyền thống, phong tục tập quán của quê hương, xứ sở!
Chính xuất phát từ quan điểm này mà bất cứ khi nào có thể, dù ở xa, ba vẫn đưa chúng tôi về quê thăm nội ở Đăk Nông “để con trẻ biết quê hương, biết nghĩ đến ông bà và có được một tuổi thơ thật sự” – ba nói.
Và cũng chính vì vậy, ký ức tuổi thơ của anh em tôi đã được lấp đầy bởi biết bao kỷ niệm gia đình, bởi nếp sống làng quê và bởi nồi bánh tét ngày xuân của nội.
Mỗi năm, cứ vào khoảng ngoài 20 âm lịch, anh em tôi lại mong thời gian qua mau để được ba mẹ đưa về quê đón Tết với ông bà nội, được tha hồ chạy nhảy, được ngồi xem và phụ bà nội gói bánh tét mừng xuân.
Những khi ấy, vì vụng về nên anh em chúng tôi chỉ được bà phân công lau lá chuối, dạo quanh khắp vườn gom củi nấu bánh, chờ bánh làm xong thì phụ bà nội trông coi bếp lửa, đảm bảo lửa luôn cháy đều và thỉnh thoảng châm nước vào nồi bánh.
Mẹ tôi phụ trách buộc lạt đều tay. Ba thì lo việc nhóm lửa, bắc nồi luộc bánh… Công đoạn quan trọng nhất: gói bánh, thuộc về bà nội.
Để có được những chiếc bánh tét thơm ngon, bùi bùi, dẻo ngoẹo ăn cùng dưa món vào những ngày xuân, từ trước khi gói bánh cả tuần, bà nội chúng tôi đã phải lo chuẩn bị đậu xanh, nếp ngon; giáp ngày gói thì đi cắt lá chuối, mua thêm thịt heo và các thứ cần thiết khác.
Chúng tôi rất thích được thức đêm canh nồi bánh tét để có lý do chính đáng không phải ngủ sớm, tha hồ chơi đùa đủ kiểu cùng nhau, nhưng bà nội thì thương cháu nên dậy từ 3h sáng để lo chuẩn bị gói bánh cho kịp vớt trước giao thừa, để không đứa nào phải bỏ mất thời gian, công sức trông coi nồi bánh mà mất đi giấc ngủ…
Có thể nói ký ức tuổi thơ của anh em chúng tôi gắn bó rất nhiều với nồi bánh tét của nội. Trong cái tiết trời se lạnh ở vùng đất Tây Nguyên cuối năm, quây quần cùng nhau bên nồi bánh tét sôi lục bục, nghi ngút khói, trông chờ tới giờ vớt bánh để xin bà nội khui cái bánh “đuôi” (chiếc bánh nho nhỏ được bà nội cho phép chúng tôi tự gói, được làm sau cùng khi vét hết nguyên liệu mà vẫn không đủ to như những chiếc bánh khác). Cảm nhận chiếc bánh này ngon hơn hẳn những chiếc bánh được mua ở chợ, vì đó là sản phẩm của chính mình.
Chiếc bánh tét thơm thơm, đậm đà hương vị hoà quyện của của hương nếp, đậu xanh và thịt mỡ, hoà cùng vị thơm của khói củi, của lá chuối xanh… tất cả đã hợp thành hương thơm của Tết, của ký ức tuổi thơ, của tình cảm gia đình, của sự sum vầy, đoàn viên, ấm áp.
Châm nước thường xuyên cho nồi bánh tét để màu lá luôn xanh – đẹp
Nồi bánh tét “thần thánh” càng làm anh em chúng tôi nhớ mãi lời dạy của ông nội, dù ông nội đã đi xa, rất xa: Sống phải biết trân quý, tự hào về cội nguồn, quê hương; phải biết ơn những ai đã làm ra hạt lúa, hạt cơm để nuôi sống mình…
Cuộc thi “Khoảnh khắc Tết của tôi”
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ [email protected].
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.