Nằm trên con đường Ngự Bình dẫn từ trung tâm TP Huế lên đàn Nam Giao (nơi tổ chức nghi lễ tế trời dưới triều Nguyễn), có một con đường nhỏ liên quan cuộc đời của Bác Hồ ở Huế được lát gạch dẫn lối lên núi Bân.
Trước con đường nhỏ này được đặt bảng chỉ dẫn ghi Di tích địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Men theo con đường nhỏ được lát gạch phẳng phiu xuyên qua tán thông xanh mát, gió thổi rì rào sẽ tới khu tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan được xây dựng khang trang theo kiểu một công viên, hướng mặt về phía tây.
Địa điểm này là nơi an táng thân mẫu Bác Hồ vào năm 1901.
Năm 1900, trong lúc ông Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác) được cử đi làm Đề lại trường thi Hương ở Thanh Hóa, bà Loan sinh người con thứ 4 đặt tên là Nguyễn Sinh Xin (cậu bé qua đời sau đó không lâu).
Do cuộc sống vất vả nên sau khi sinh, bà lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 33 vào ngày 10-2-1901 (tức 22 tháng chạp năm Canh Tý).
Lúc này cạnh bà chỉ có người con trai 11 tuổi là Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ sau này). Dù chỉ mới 11 tuổi, Nguyễn Sinh Cung đã đứng ra làm chủ tang cho mẹ vào những ngày giáp Tết.
Theo luật triều Nguyễn lúc bấy giờ, vào những ngày giáp Tết, đám tang của dân thường trong Thành Nội không được đưa qua các cổng thành và đặc biệt không được khóc than.
Thi hài bà Hoàng Thị Loan được bà con lối xóm lặng lẽ đưa xuống thuyền qua cống Thanh Long, theo sông Đông Ba, ra sông Hương, rồi ngược dòng về sông An Cựu.
Đến gần ngã ba Giàng Xay, đoàn tang lễ gánh quan tài theo đường Ngự Bình và đưa lên mai táng ở triền núi Bân (Tam Tầng) từ năm 1901 đến 1922.
Năm 1922, bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái của Bác Hồ) đã dời hài cốt của mẹ về an táng ở quê nhà Nghệ An.
Để tưởng nhớ công lao của người mẹ đã có công sinh thành, nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào năm 1990, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan tại vị trí an táng bà trước đây.
Vị trí này nằm ở lưng chừng núi Bân – ngọn núi được cho là nơi vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế rồi ra Bắc đánh dẹp 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Khu tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2008. Nơi đây thường được các bạn trẻ, đoàn viên thanh niên đến dâng hương mỗi dịp lễ trọng đại của đất nước.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.