Lễ hội bánh mì Việt Nam lần thứ 2-2024 diễn ra từ ngày 17 đến 19-5 tại công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP.HCM.
Lý giải về thời điểm tổ chức, bà Nguyễn Thị Khánh – chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết ban tổ chức vẫn nỗ lực để lễ hội trở thành sự kiện hàng năm vào đúng dịp 24-3 là ngày bánh mì đi vào từ điển Oxford. Tuy nhiên, có những khó khăn trong công tác tổ chức khiến thời gian diễn ra trễ hơn so với dự kiến.
Trong lần tổ chức thứ 2, Lễ hội bánh mì Việt Nam có không gian dành cho bánh mì ăn liền ăn tại chỗ và các món ăn kèm bánh mì. Đặc biệt có sự tham gia của những thương hiệu bánh mì nổi tiếng trên 50 năm của Sài Gòn như Bánh mì Bảy Hổ, Bánh mì 7 kẹo, Bánh mì Nguyên Sinh, Bánh mì cụ Lý… Ngoài ra còn có những chuỗi bánh mì khởi nghiệp.
Các thương hiệu này cũng sẽ tặng nguyên liệu bánh mì đến công chúng như bánh mì Nguyên Sinh tặng pate, bánh mì Tăng tặng xíu mại…
Cũng theo bà Khánh, lễ hội sẽ có nhiều hoạt động với sự tham gia quy mô 130-150 gian hàng, các đơn vị nhà hàng phục vụ các món ăn kèm bánh mì, tiệm bánh mì, các đơn vị chuyên cung cấp nguyên liệu gia vị, thiết bị phục vụ công nghệ làm bánh mì.
Các đầu bếp cũng sẽ công diễn 150 món ăn kém với bánh mì, được trưng bày trên một mô hình bánh mì khổng lồ. Các món ăn thể hiện sự đa dạng được chế biến từ sản vật đặc sản của địa phương trên các nước đã làm nên món bánh mì Việt Nam ngon khác biệt.
Những người yêu thích món bánh mì chấm sữa đặc ông Thọ cũng sẽ có cơ hội thưởng thức miễn phí món bánh mì gắn liền với tuổi thơ theo khung giờ.
Ngoài ra còn có một số hội thảo chuyên đề như hội thảo “Bánh mì Việt Nam với du lịch và ẩm thực thế giới”.
Trước lo ngại về không gian tổ chức bị phản ánh “thiên về phần chợ hơn phần hội” của sự kiện năm ngoái, bà Khánh cho biết năm nay ban tổ chức cố gắng đem đến cho người dân, du khách một không gian trải nghiệm văn hóa, lễ hội cùng với các hoạt động giao thương, kết nối.
“Năm ngoái các gian hàng trong lễ hội được mở ra để hỗ trợ các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP.HCM, trong đó có địa phương được ban tổ chức hỗ trợ 100% chi phí thuê. Chúng tôi mong muốn chọn những sản phẩm OCOP với tính toán đưa các sản phẩm OCOP vào bếp Việt một cách đa dạng, nhiều món ngon”, bà Khánh giải thích.
Mong đưa bánh mì Việt Nam lên top 1 thế giới
Theo bà Trần Thị Hiền Minh – phó chủ tịch Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, dự kiến ban tổ chức cũng sẽ đưa một lò bánh mì ra ngay tại lễ hội để người dân có thể hình dung cách làm bánh mì và thưởng thức nóng hổi.
Ngoài ra cũng sẽ có một không gian trưng bày phong phú dụng cụ, hình ảnh, bài viết về bánh mì Việt Nam qua các thời kỳ, cũng như tái hiện hình ảnh bánh mì xưa và nay, bức tường nguyên liệu gia vị làm bánh mì…
“Bánh mì Việt Nam đang đứng top 4 trong bản đồ 60 loại bánh mì của thế giới và chúng tôi đang muốn thông qua sự kiện này để quảng bá, đưa bánh mì Việt Nam lên top 1 thế giới. Đây cũng là ấp ủ của những người tổ chức”, bà Hiền Minh chia sẻ.
Tính đến ngày 24-3-2024, “bánh mì” đã được ghi vào từ điển Oxford được 13 năm. Tên tuổi của món bánh mì liên tục được thăng hạng và món ăn này không ngừng được phát triển ngày càng phong phú, hấp dẫn.
Mới đây, Chuyên trang ẩm thực có trụ sở tại Croatia TasteAtlas đăng bài viết Top 100 sandwiches in the World (Top 100 món bánh sandwich ngon nhất thế giới), trong đó bánh mì Việt Nam xếp ở vị trí đầu tiên.
Taste Atlas còn gợi ý một số cửa hàng bánh mì nổi tiếng để thực khách đến trải nghiệm.
13 năm bánh mì vào từ điển Oxford
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.