Trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, Lai Châu có tới 6 ngọn núi, đó là: Pu Si Lung (3.083m) Pu Ta Leng (3.049m) Bạch Mộc Lương Tử (3.046) Phàn Liên Sơn (3.012m) Tả Liên Sơn (2996m) và ngọn Pờ Ma Lung cao 2967m.
Chinh phục Pu Si Lung – đỉnh núi cao nhất ở Lai Châu
Được xem là đỉnh núi khó chinh phục nhất Lai Châu, Pu Si Lung ngày càng cuốn hút những người ưa thích du lịch mạo hiểm. Với họ, đỉnh núi Pu Si Lung hoàn toàn xứng đáng để dành thời gian, công sức chinh phục, khám phá. Với độ cao 3.083m so với mực nước biển, Pu Si Lung là đỉnh núi cao nhất ở Lai Châu. Đỉnh núi này thuộc xã Pa Vệ Sủ (Mường Tè, Lai Châu).
Bất kỳ ai đặt chân lên đỉnh Pu Si Lung cũng sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của núi rừng nơi đây. Không chỉ hội tụ vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ mà Pu Si Ling còn cực kì quyến rũ, với những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, những con suối nước chảy róc rách đêm ngày. Cảnh vật ở Pu Si Lung quá đỗi bình yên, những nét hoang sơ, mộc mạc, giản dị ở đỉnh núi cao nhất Lai Châu đầy mê hoặc và không khí mát lành mang lại cảm giác an nhiên, thư thái cho du khách.
Pu Ta Leng quyến rũ
Đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049m, thuộc địa phận xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đây cũng là ngọn núi được các phượt thủ bình chọn là đỉnh núi đẹp nhất. Bất kỳ ai khi đặt chân lên đỉnh Pu Ta Leng cũng khó có thể kìm lòng mà thốt lên hai từ “đẹp quá”. Pu Ta Leng mang vẻ đẹp hoang sơ song cũng đầy quyến rũ.
Vài năm trở lại đây, đỉnh Pu Ta Leng trở thành sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm mới mẻ, hấp dẫn dành cho du khách yêu thích khám phá. Leo Pu Ta leng, du khách phải trải qua những cung đường đầy gian nan, hiểm trở, dốc cao dựng đứng.
Song bù lại, cảnh sắc mê hồn như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh trong hành trình chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, sẽ khiến du khách hài lòng và cảm thấy hoàn toàn xứng đáng khi bỏ công sức khám phá, chinh phục đỉnh núi này.
Dọc đường lên Pu Ta Leng, du khách sẽ khó có thể kìm lòng mà thốt lên hai từ “quá đẹp” khi chiêm ngưỡng những cánh rừng nguyên sinh cổ kính với thảm thực vật phong phú, nhiều cây cổ thụ thân phủ đầy rêu xanh, địa y rậm rạp. Pu Ta Leng càng trở nên đẹp hơn, quyến rũ hơn khi vào mùa hoa đỗ quyên khoe sắc. Hoa đỗ quyên được xem là “đặc sản” ở Pu Ta Leng, bắt đầu nở hoa từ độ tháng 4. Hoa đỗ quyên còn rơi giăng kín các lối đi, tạo thành những thảm hoa tuyệt sắc, độc nhất vô nhị. Khung cảnh thơ mộng như chốn thiên đường mang lại cho du khách những cảm xúc khó tả.
Đứng trên đỉnh Pu Ta Leng, chắc hẳn du khách sẽ quên đi những mệt mỏi khi được “mục sở thị” biển mây trắng bồng bềnh, đẹp tựa trong tranh. Niềm vui chiến thắng vỡ òa khi chinh phục được một trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam.
Vùng đất Lai Châu giàu bản sắc văn hóa
Không chỉ sở hữu những đỉnh núi kỳ vĩ, Lai Châu còn được biết đến là vùng đất đa sắc màu văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn. Những lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, kiến trúc hay những làn điệu dân ca, dân vũ của 20 dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất cuối trời Tây Bắc Lai Châu, sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt vời và ấn tượng khó quên cho du khách.
Bên cạnh đó, Lai Châu còn làm say đắm lòng người với vẻ đẹp thơ mộng, kỳ vĩ của dãy núi ẩn mình trong mây, con suối róc rách, những cung đường uốn lượn, với những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín hay những hang động, thác nước kỳ ảo… Theo dòng chảy lịch sử, những giá trị thiên nhiên đã hòa quyện với bản sắc văn hóa truyền thống tạo nên một Lai Châu khác biệt giữa đại ngàn Tây Bắc.
Trò chuyện với Dân Việt, ông Trần Quang Kháng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, cho hay: Mảnh đất Lai Châu sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có giá trị để khai thác phát triển du lịch như: Quần thể động Pusamcap, Động Tiên Sơn, Thác Tác Tình, suối nước nóng Vàng Pó, Nà Đom, cảnh quan dọc Sông Đà, khu vực Đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quý Hồ), suối nước nóng Vàng Pó, cao nguyên Sìn Hồ; cao nguyên Dào San; du lịch sinh thái đường sông ở khu vực Lê Lợi; Hồ Đông Pao.
Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa đặc sắc riêng từ trang phục, kiến trúc nhà, lễ hội, làng nghề, văn hóa ẩm thực đến tâm linh như: Then Kin Pang, Kin Lẩu Khẩu Mẩu, Nàng Han, Xòe Chiêng, Lùng Tùng (dân tộc Thái); Tú Tỉ (dân tộc Giáy); Bun Vốc Nậm (dân tộc Lào); Căm Mường (dân tộc Lự); Gầu Tào Cha (dân tộc Mông); Tết Ngô (dân tộc Cống); Tủ Cải, Nhảy Lửa (dân tộc Dao)…
Ngoài ra, Lai Châu còn có 31 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó có 5 di tích cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh) và một số nghề truyền thống: Miến Rong (Bình Lư – Tam Đường); Nghề Nấu Rượu (Gia Khâu); Hợp tác xã Thổ Cẩm Nà Cang; nghề dệt may truyền thống của dân tộc Lự (Bản Hon – Tam Đường) và một số phiên chợ vùng cao như: chợ phiên San Thàng; Chợ phiên Sìn Hồ; chợ phiên Dào San…
Trên cơ sở những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, những năm qua, Lai Châu đã bảo tồn, khai thác hợp lý các giá trị lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể và các tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy du lịch phát triển. Lai Châu còn đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội (giao thông, dịch vụ), chỉnh trang nâng cấp đô thị…
Với hướng đi đúng, Lai Châu đã khoác lên mình một diện mạo mới đủ sức hấp dẫn, thu hút du khách khám phá, trải nghiệm. Du lịch Lai Châu đang từng bước khẳng định chỗ đứng trên bản đồ du lịch Việt Nam, với các sản phẩm du lịch chất lượng, cuốn hút du khách gần xa.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.