Mùa xuân ở Tây Bắc như một tấm khăn thổ cẩm đầy màu sắc, đó là sắc hồng của hoa đào; sắc trắng của hoa mận, hoa ban; sắc đỏ pha lẫn tím, chàm của những quả “pao” mà những cô gái người Mông muốn trao gửi tình yêu trong lễ hội Gầu Tảo mừng năm mới…
Tết năm nay, chúng tôi quyết định rời xa chốn thị thành đông vui, nhộn nhịp để đến với Tây Bắc, khám phá một trong mười đỉnh núi cao nhất Việt Nam, nơi được các bạn trẻ ưa dịch chuyển, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp đặt tên là “Thiên đường mây”.
Vâng, nơi chúng tôi đến chính là xã Tà Xùa, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, nằm ở độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 1.500 – 2.000m.
Tiếng gà gáy đầu tiên là thời khắc thiêng liêng
Cũng như nhiều xã vùng cao khác, đường lên quê hương của A Phủ – nhân vật nguyên mẫu trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài – khá quanh co, hiểm trở. Nếu như bạn di chuyển thong dong trên quãng đường 200km từ Hà Nội đến Bắc Yên chỉ mất khoảng ba, bốn tiếng, thì từ Bắc Yên lên Tà Xùa, với quãng đường 10km cũng phải mất tới ba giờ đồng hồ.
Đường lên Tà Xùa vào mùa xuân nhiều sương mù, đường trơn, tầm nhìn hạn chế, cung đường bám theo những sườn núi phải liên tục cua tay áo, phía dưới là vực thẳm nên đòi hỏi người lái xe phải quan sát kỹ, di chuyển chậm để đảm bảo an toàn.
Tranh thủ trời còn sáng, chúng tôi rủ nhau đi sâu vào những bản làng người Mông ở Tà Xùa. Trên những bãi đất rộng, nhiều thiếu nữ người Mông diện trang phục dân tộc thẹn thùng bên những chàng trai bản. Còn những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi hơn thì mải miết với trò chơi truyền thống ném “pao”.
Đâu đó, tiếng khèn cất lên vang vọng, phá vỡ không gian yên tĩnh, bao la của núi rừng Tây Bắc. Trong những ngôi nhà gỗ rêu phong, ánh lửa bập bùng, mùi rượu ngô chếnh choáng, mùi xôi nếp thơm lừng lan tỏa…
Theo phong tục truyền thống, Tết của người Mông sớm hơn Tết Nguyên đán chừng một tháng. Trong ngày Tết, những phong tục, tập quán vẫn được duy trì, đặc biệt là nét đẹp của lễ hội Gầu Tảo, được ngành văn hóa tổ chức trang trọng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa cho đồng bào Mông.
Những năm trở lại đây, đồng bào người Mông đón thêm một cái Tết nữa để hòa nhập, chung vui với đồng bào miền xuôi. Dịp Tết Nguyên đán, các gia đình người Mông trong bản vẫn thịt lợn, thịt gà; một số gia đình gói thêm bánh giầy để ăn Tết.
Chiều muộn, trời mỗi ngày một lạnh thêm, bóng tối buông xuống rất nhanh, sương mù dày đặc, đứng cạnh nhau cũng không nhìn rõ mặt người. Chúng tôi vội vã quay trở về homestay để ăn uống, nghỉ ngơi, đón chờ thời khắc chiếc kim đồng hồ dịch chuyển qua con số 12 tại nơi được coi là nóc nhà của Tây Bắc.
Sau phút giao thừa, mọi người vẫn ngồi quanh đống lửa, không ai muốn trở về phòng nghỉ. Tất cả đều muốn đợi chờ một thời khắc thiêng liêng khác, đó là thời khắc năm mới theo quan niệm của người Mông.
Tiếng chú gà trống đầu tiên cất lên, rồi như một bản hòa ca, tiếng gà gáy vang vọng khắp bản làng vùng cao. Cả đoàn chúng tôi đều ồ lên sung sướng, những lời chúc mừng năm mới được trao cho nhau, trao cho cả những người lần đầu tiên gặp mặt.
Khoảnh khắc Tết… cùng mây
Buổi sáng mùng 1 Tết, những hạt nước li ti giăng kín núi rừng tạo ra một khung cảnh mờ sương huyền bí, nhưng có lúc lại sáng bừng lên nhìn rõ những sắc đào đang khoe thắm sau những nếp nhà nằm chênh vênh lưng chừng núi.
Lên “Thiên đường mây”, ai cũng muốn săn được một bức ảnh cùng mây trong ngày đầu năm cho khỏi “dông”. Nhưng thời tiết đang “hóa mù thành mưa” khiến một số thành viên trong đoàn cảm thấy hoang mang.
Theo kinh nghiệm của chị chủ homestay, kiểu thời tiết thế này sẽ săn được mây! Đúng như lời chị, khi ông mặt trời ló rạng, từng đợt mây tràn về như sóng vỗ bờ, từng lớp, từng lớp một phủ trắng thung lũng như một thảm bông tuyết khổng lồ.
Một vài đám mây tạo thành những chiếc khăn voan trắng mềm mại uốn lượn quanh đỉnh núi. Mây tinh nghịch như một đứa trẻ chơi trò trốn tìm với con người, lúc lững lờ bay trước mặt, lúc lại lấp ló sau lưng du khách… Đúng là một cảnh tượng chỉ có ở nơi bồng lai tiên cảnh.
Rất nhanh, du khách vội vã đổ ra khu vực “check-in”, là những quán cà phê nằm tại các vị trí lý tưởng có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ quang cảnh núi rừng ở Tà Xùa. Những chiếc máy ảnh, điện thoại được rút ra, ai cũng muốn tìm những góc hình đẹp để ghi lại khoảnh khắc đặc biệt, đón Tết cùng mây ở nơi núi rừng xa xôi nhưng hùng vĩ của Tổ quốc.
Những nụ cười rạng rỡ tràn đầy hạnh phúc được ghi lại trong những bức ảnh cùng bạn bè, người thân và gia đình sẽ là những kỷ niệm tuyệt đẹp, tiếp thêm năng lượng cho một mùa xuân mới!
Cuộc thi “Khoảnh khắc Tết của tôi”
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ [email protected].
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.