Từ sáng sớm chủ nhật, cả thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai trở nên nhộn nhịp sôi động với chợ phiên của bà con bản địa. Từ lâu phiên chợ bán đủ thứ này đã trở nên nổi tiếng và thu hút hàng ngàn người dân, du khách đến khám phá, mua sắm.
Phiên chợ bán đủ thứ
Đều đặn họp chợ mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, chợ phiên Bắc Hà là nơi để người dân địa phương xuống núi mang đủ thứ sản vật “của nhà trồng được” đến trao đổi, mua bán.
Chợ phiên được họp ngay giữa trung tâm thị trấn Bắc Hà, cách TP Lào Cai khoảng 70km. Từ tối thứ bảy, bà con các dân tộc Mông, Tày, Dao, Phù La… đã rục rịch mang rau quả của nhà xuống bán.
Mùa này, ở chợ nhiều nhất là lê, mận. Bên cạnh đó còn có đủ thứ thực phẩm khác như từ gạo, miến đến các loại rau thơm, gia vị.
Chợ được chia thành nhiều khu vực buôn bán như khu bán thổ cẩm, khu ẩm thực, khu bán rau, củ, quả… Nhiều nhất là đồ nông sản của người dân địa phương.
Buôn bán tại chợ Bắc Hà hơn 20 năm nay, ông Hoàng Xuân Luyến – tiểu thương trong chợ – cho biết chợ phiên ngày xưa và bây giờ đã có nhiều đổi khác. Ngày xưa chợ rất hoang sơ, chủ yếu là nơi buôn bán của bà con địa phương, còn giờ chợ đã được quy hoạch, sửa sang khang trang.
Du khách gần xa cũng biết đến phiên chợ Bắc Hà nhiều hơn, không khí càng thêm nhộn nhịp.
“Chợ vẫn giữ được nét truyền thống là nơi giao lưu văn hóa, buôn bán của người dân từ cái nhỏ nhất đến cái to nhất. Cái nhỏ nhất chẳng hạn là rau củ quả của người dân, cái to là con chó, con mèo, còn lợn, gà, trâu đều mang xuống chợ bán”, ông Luyến bộc bạch.
Đến chợ phiên, du khách cũng tha hồ thưởng thức các món ngon vùng cao như thắng cố, xôi ngũ sắc, bánh lá ngải, bánh chưng gù, sủi dìn…
Phiên giao dịch chó “lớn nhất” Việt Nam
Một trong những nét đặc sắc khiến du khách thích thú khi đi chợ phiên Bắc Hà đó là khu vực bán gia súc, gia cầm. Tại đây, một phiên giao dịch được ví von như phiên giao dịch chó “lớn nhất” Việt Nam được diễn ra ngay dưới chân dốc ở khu vực bán gia súc, gia cầm.
Hàng trăm con chó ta, chó Bắc Hà đủ kích thước, màu sắc với dáng vẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu được bà con dắt từ trên bản xuống tham gia phiên chợ. Có người mang 1-2 con, nhưng có người mang cả nắm dây dắt theo cả đàn chó.
Việc giao dịch các chú thú cưng này cũng mới mẻ. Ngoài việc buôn bán trực tiếp tại chợ, những chú chó này còn được rao bán online, ship đi cả nước.
Những chú chó con Bắc Hà, Mông cộc được rao bán online, ship đi cả nước
Một tay cầm điện thoại livestream, một tay chốt đơn, bắn đơn cho chủ của những chú chó, anh Hoàng Trung Hiếu (xã Tả Chải, huyện Bắc Hà, Lào Cai) bán được hơn chục chú chó qua phiên livestream buổi sáng.
Theo anh Hiếu, trước đây anh mua trực tiếp của người dân và bán lại cho khách có thể lãi vài trăm ngàn cho mỗi chú chó, còn từ khi bán online anh chỉ lấy tiền công khoảng 100.000 – 200.000 đồng/đơn.
Mỗi chú chó được bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng
Ở đây, mỗi chú chó được rao bán với giá từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng. “Phiên chợ hôm nay không có con nào được giá vài chục triệu, chỉ có một con chó xù Bắc Hà giá 4 triệu là cao nhất”, anh Hiếu nói.
Giống chó được rao bán ở chợ phiên là chó Bắc Hà, Mông cộc đuôi và chó ta. Trong đó, chó Bắc Hà và Mông cộc là hai giống có giá đắt nhất, chúng là 2 trong 4 giống chó quý nổi tiếng của Việt Nam.
Biết đến chợ phiên Bắc Hà qua các phương tiện truyền thông, gia đình chị Thái Thị Giang (Nghệ An) đã tranh thủ cuối tuần đến khám phá phiên chợ đặc sắc này.
“Đây là phiên chợ có nhiều chó con nhất mà tôi đã từng được đi. Phiên chợ này rất đông vui và người dân cũng thân thiện. Hôm nay tìm được chú chó nào ưng ý chúng tôi cũng sẽ mua về nuôi như con vật kỷ niệm. Nếu ai chưa đến chợ Bắc Hà thì hãy đến một lần để trải nghiệm”, chị Giang hồ hởi.
Còn đối với chị Charlise, du khách Pháp, chợ phiên Bắc Hà là một trong những điểm dừng chân trong chuyến đi lần đầu đến Việt Nam.
“Tôi rất ấn tượng với phiên chợ này, nó mang đậm màu sắc văn hóa bản địa, mọi người rất thân thiện và tôi rất thích màu sắc trên trang phục truyền thống của họ”, chị Charlise chia sẻ.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.