Theo đó, 2 cung đường gồm tuyến du lịch từ vùng Đông lên vùng Tây, kết nối Hội An – Mỹ Sơn – Đông Giang và tuyến du lịch ven biển kết nối Hội An – Nam Hội An – Tam Kỳ – sân bay Chu Lai.
Kết nối vùng du lịch phía Tây và phía Nam Quảng Nam
Hai tuyến này đi qua các khu vực có tài nguyên du lịch quan trọng của Quảng Nam. Đặt ra nhiều kỳ vọng về đầu tư hoàn thiện kết nối hạ tầng, làm mới sản phẩm du lịch, tạo cách tiếp cận mới để thu hút du khách.
Đón đầu thu hút du khách, nhiều doanh nghiệp tích cực đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn FVG Travel đã phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam xây dựng các sản phẩm, tour tuyến mới.
Bà Võ Ngọc Anh, tổng giám đốc FVG Travel, cho biết việc thiết lập và định hình các tuyến đường này là cơ sở để xúc tiến, liên kết với các điểm đến du lịch khác trong và ngoài nước. Từ đó tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu, khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả ở 2 cung đường này. Tạo ra đột phá vượt trội và điểm nhấn cho du lịch Quảng Nam trong thời gian tới.
Nằm trên tuyến liên kết du lịch mở rộng về vùng Tây cùng với Hội An và Mỹ Sơn, khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang cho hay sẽ nâng cấp quy mô và chất lượng phục vụ. Đặt mục tiêu thu hút và phục vụ từ 1-3 triệu khách/năm giai đoạn 2025-2030.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, nhận định việc mở rộng không gian du lịch về phía Nam và vùng Tây Quảng Nam để khai thác tiềm năng thiên nhiên, văn hóa là định hướng chiến lược; giúp người dân tăng cơ hội việc làm, phát triển kinh tế địa phương. Để hiện thực hóa điều này cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối Đông – Tây và Đông – Nam để đạt tiêu chuẩn khai thác các tuyến du lịch từ vùng Đông – Tây và Đông – Nam.
Cần đầu tư hạ tầng giao thông và sản phẩm mới
Theo ông Phan Xuân Thanh – chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, để mở rộng không gian phát triển du lịch về phía Nam và phía Tây cần đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông để thuận lợi cho việc di chuyển của khách du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông ở vùng Tây đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.
Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư kết nối giao thông từ phía Nam lên phía Tây là câu chuyện dài. Nhà đầu tư cần phát triển sản phẩm cho thị trường ngách trước rồi từng bước phát triển thị trường đại trà khi nguồn lực của tỉnh đủ mạnh cho đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông.
Cùng quan điểm với ông Thanh, ông Lê Quốc Việt – chủ nhiệm CLB Điểm đến Quảng Nam – cho rằng giữ gìn giá trị bản địa, phân tích việc đề xuất với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhằm thúc đẩy phát triển 2 tuyến du lịch này phù hợp với định hướng kinh doanh du lịch của nhiều đơn vị trên địa bàn, phương án này khả thi và có thể triển khai. Vấn đề mấu chốt là cần phải nghiên cứu triển khai đa dạng các giải pháp về dịch vụ, lưu trú, vận chuyển.
Bàn về vấn đề này, bà Võ Ngọc Anh, tổng giám đốc FVG Travel, đề xuất thiết lập tuyến xe buýt vận chuyển đưa đón khách du lịch trên cung đường phía Tây từ Hội An đến Cổng Trời Đông Giang với tần suất 2 chuyến/ngày, bắt đầu đưa vào vận hành dự kiến từ đầu năm 2025.
Hiện Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết đang nghiên cứu, rà soát dựa trên các đề xuất của doanh nghiệp để triển khai, hiện thực hóa được việc đưa vào khai thác vận hành các tuyến du lịch này.
“Trong thời gian tới, sở sẽ chủ trì và khảo sát các điểm, tạo khung để doanh nghiệp có thể định hình tuyến du lịch này. Điều quan trọng, để làm mới được sản phẩm du lịch, các điểm tham quan trải nghiệm sẽ được thiết kế dựa vào nhu cầu thực tế của du khách” – ông Hồng cho biết thêm.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.