Du lịch đường bộ lên ngôi, cao tốc, cửa khẩu ùn tắc
Bắt đầu kỳ nghỉ lễ, gia đình anh Nguyễn Phương Nam (42 tuổi, Hà Nội) xuất phát từ Hà Nội lúc 5h, di chuyển bằng ô tô cá nhân đến Sa Pa (Lào Cai). Đề phòng tắc đường, anh Nam chủ động đi sớm hơn dự kiến, nhưng đến đoạn đường Vành đai 3 trên cao (từ lối lên Trung tâm hội nghị Quốc gia – hồ Linh Đàm) vẫn xảy ra ùn tắc kéo dài.
“Dòng ô tô xếp hàng 2, hàng 3 trên đường Vành đai 3 trên cao, hướng về cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, gia đình tôi mất gần 5 tiếng rưỡi để đến được thị trấn Sa Pa, trong khi quãng đường này ngày thường chưa đến 4 tiếng”, anh Nam nói.
Nam du khách cho biết, anh mất gần nửa ngày ngồi trên ô tô, nhích từng bước trên đường, thậm chí đến thị trấn Sa Pa vẫn không thoát được cảnh tắc đường, việc này khiến anh và các con cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng cho chuyến đi.
Trở về Hà Nội ngày 2/9, chị Nam Anh (quê Yên Bái), cho biết chịu cảnh chôn chân trên đường cao tốc. Lưu lượng xe đông, một số xe va chạm đã dẫn đến cảnh ùn tắc kéo dài hàng km. Các xe nối đuôi nhau, nhích từng chút một. Đội Cảnh sát giao thông sau đó đã phải chuyển hướng các xe ra ngoài cao tốc đi theo quốc lộ để vào Hà Nội.
“Chưa bao giờ chuyến xe trở về Hà Nội lại vất vả, gian nan như vậy, gia đình tôi mất hơn 6 tiếng mới về đến nơi. Cảm giác tắc đường thực sự mệt mỏi”, chị Nam Anh nói.
Khu vực miền Nam, tình trạng ùn tắc cũng xảy ra ở nhiều tuyến đường. Đáng chú ý, ghi nhận của phóng viên Dân trí những ngày nghỉ lễ, tại Quốc lộ 1A (đoạn qua địa phận huyện Bình Chánh, TPHCM), đoàn phương tiện nối đuôi nhau di chuyển, tình trạng ùn ứ cục bộ thường xuyên xảy ra.
Trong bối cảnh vé máy bay đắt đỏ cùng tình trạng trễ chuyến xảy ra thường xuyên, tâm lý khách Việt đã có những cân nhắc và lo ngại về tài chính trong việc đặt dịch vụ cho các chuyến đi.
Để né vé máy bay cao, du khách đổ xô đi du lịch bằng tàu hỏa hoặc tự lái xe. Du lịch nội vùng, các điểm đến có biển được yêu thích. Ngoài ra, tour Trung Quốc đường bộ cũng được nhiều khách Việt lựa chọn.
Xu hướng này bắt đầu nở rộ từ mùa cao điểm 30/4-1/5 và đang được định hình rõ nét trong dịp lễ 2/9 vừa qua.
Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, trong những ngày nghỉ lễ cũng ghi nhận lượng khách tăng cao. Đáng chú ý, ngày 31/8 có khoảng 60 đoàn với 2.200 khách đã khởi hành đi Trung Quốc, đến cuối ngày ước chừng có khoảng 3.000 khách Việt đã thông quan qua cửa khẩu.
Hướng dẫn viên có mặt tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai lúc 2h sáng giữ chỗ cho đoàn khách. Từ 7h, dòng người đổ về càng lúc càng đông (Ảnh: Đơn vị cung cấp).
Từ 2h sáng, một số hướng dẫn viên cho biết đã có mặt tại cửa khẩu để “đặt gạch” giữ chỗ cho khách. Đến 5h các đoàn khách bắt đầu tập trung và 7h sáng sân phía trước cửa khẩu đã đông kín người.
Tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu được nhiều công ty du lịch dự đoán từ trước lễ. Kỳ nghỉ 2/9 năm nay tour Trung Quốc đường bộ được rất nhiều khách Việt yêu thích do di chuyển thuận lợi, giá rẻ lại phong phú về tuyến điểm.
Theo bà Hoàng Tuyết, đại diện Vân Nam Group Tours, chỉ riêng tour Vân Nam – Trung Quốc đường bộ, đi qua cửa khẩu Lào Cai, dịp lễ đã 1.000 khách, các tour tuyến điểm khác số lượng dao động 170-200 khách, tăng 30% so với đợt 30/4 vừa qua.
Đối với đường sắt, có khoảng 130.000 khách đi tàu, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong ngày cao điểm nhất (30/8) đã có 10 chuyến tàu trên tuyến Bắc – Nam: 5 chuyến Hà Nội – Sài Gòn, 01 chuyến Hà Nội – Đà Nẵng, 02 chuyến Hà Nội – Đồng Hới, 02 chuyến Hà Nội – Vinh.
Cả nước đón 3 triệu lượt khách du lịch dịp lễ 2/9
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay (31/8-3/9), ước tính ngành du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 56%, tăng 1,85% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023, riêng 2 ngày 1-2/9 công suất đạt trên 60%.
Thanh Hóa sở hữu tuyến cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh khiến việc di chuyển của du khách ở các tỉnh phía Bắc đến một số khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa thuận tiện.
Trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9, các khu, điểm du lịch tỉnh Thanh Hóa đón 395.700 lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ninh Bình tăng trưởng ấn tượng cả về lượng khách và doanh thu. Trong 4 ngày nghỉ lễ, tỉnh đón khoảng 374.000 lượt khách, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2023. Khách quốc tế ước đạt 74.000 lượt, tăng gần 280%.
Doanh thu toàn tỉnh ước đạt gần 650 tỷ đồng, tăng hơn 180% so với năm ngoái. Công suất sử dụng phòng đạt trung bình 85-90%, riêng hai tối 31/8 và 1/9, công suất sử dụng phòng đạt 100%.
Hà Nội đón gần 673.000 lượt khách tham quan, tăng 5% so với nghỉ lễ năm ngoái. Tổng thu ước đạt 2.180 tỷ đồng, tăng 8%. Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm nay phần lớn người dân chọn nghỉ dưỡng tại các khu, điểm xung quanh ngoại thành, khiến xu hướng này tăng đột biến.
TPHCM ước đón 980.000 lượt khách tham quan trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng thu du lịch ước đạt 2.940 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách lưu trú tăng hơn 32%, công suất phòng ước đạt 85%, tăng hơn 6% so với năm 2023.
Đà Nẵng là điểm đến có lượng khách đường bộ tăng trưởng mạnh, đặc biệt di chuyển từ các địa phương lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường sắt đạt khoảng 10.678 lượt, tăng hơn 42%, khách du lịch đường sông đạt khoảng 11.980 lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung, Đà Nẵng thắng lợi dịp lễ với tổng thu du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, tăng gần 34% và đón gần 308.000 lượt khách ghé thăm, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khánh Hòa cũng được lợi nhờ đường bộ cao tốc thông suốt từ TPHCM đi Nha Trang và hệ thống đường sắt. Bến xe liên tỉnh kết nối 79 tuyến xe khách đi 28 tỉnh, thành trên cả nước và một tuyến nội tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của du khách.
Dịp lễ 2/9, mỗi ngày khoảng 170-175 chuyến xe xuất bến, trong khi các ngày bình thường có khoảng 140 chuyến. Năm nay, tuyến cao tốc Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết được thông xe, khách di chuyển bằng phương tiện cá nhân tăng mạnh.
Nhờ các lợi thế trên, 4 ngày nghỉ lễ, tỉnh đón hơn 578.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 756 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh/thành phố đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương ghi nhận số lượng tăng cao như Bình Thuận tăng gấp hơn 3 lần tổng lượng khách.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh đón khoảng 385.000 lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế khoảng 9.700 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 510 tỷ đồng.
Một số tỉnh có doanh thu du lịch cao trong lễ 2/9: Quảng Ninh (doanh thu 870 tỷ đồng, đón 384.000 lượt khách); Nghệ An (635 tỷ đồng, 320.000 lượt); Bình Thuận (510 tỷ đồng, 385.000 lượt); Bà Rịa – Vũng Tàu (333,6 tỷ đồng, 556.000 lượt); Cần Thơ (221 tỷ đồng, 189.000 lượt); Thừa Thiên Huế (132 tỷ đồng, 130.000 lượt)…
Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, số khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch cơ bản tăng, là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) từ tháng 10 tới.
Khách quốc tế chủ yếu đến từ các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ với thời gian lưu trú khoảng 4-5 đêm.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.