Theo Cục Du lịch quốc gia, dịp Quốc khánh ngành du lịch cả nước ước tính phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất phòng trung bình trên cả nước đạt 56%, tăng gần 2% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, hai ngày 1 và 2-9, công suất phòng trung bình đạt trên 60%.
Thành công nhờ chuẩn bị sớm
TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về lượng khách và doanh thu, khi đón gần 1 triệu lượt khách trong bốn ngày và thu về gần 3.000 tỉ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ 2023.
Theo các doanh nghiệp, du lịch đang dần ấm lên cùng với nhiều ngành kinh tế khác, trong đó nhu cầu du lịch của khách hàng có sự chênh lệch lớn giữa thị trường nội địa và nước ngoài. Khách có xu hướng chọn đi du lịch nước ngoài, ngay cả những khách chọn nghỉ lễ ở TP thì cũng tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống.
Bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện Vietluxtour, cho biết tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân đã gỡ dần, năm nay nhiều doanh nghiệp cũng chọn dịp lễ 2-9 để tổ chức company trip hoặc các sự kiện, MICE tour cho nhân viên, đại lý và khách hàng vì dịp lễ khá thuận tiện cho một chuyến du lịch từ 3 – 5 ngày.
Là một trong bốn địa phương có doanh thu từ du lịch trong kỳ nghỉ lễ 2-9 đạt trên 1.000 tỉ đồng (cùng Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Ninh), ông Lê Trương Hiền Hòa – phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – cho biết doanh thu của ngành tăng trong bối cảnh kinh tế dự báo khó khăn là nhờ có công tác chuẩn bị sớm.
Theo đó, sở đã chủ động công bố thông tin sự kiện, các kế hoạch xúc tiến quảng bá từ sớm để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành nắm bắt và đưa vào kế hoạch kinh doanh. Bản thân du khách các địa phương thông qua truyền thông, báo chí biết được các chương trình, sự kiện ở TP.HCM nên cũng đã đặt phòng, đến tham quan thành phố trong dịp lễ.
Cũng theo ông Hòa, một trong những cú hích cho doanh thu ngành tăng là sự đầu tư về các sản phẩm, chất lượng dịch vụ du lịch. Trong đó, với sản phẩm sự kiện định kỳ, TP cùng doanh nghiệp đầu tư hơn về chất lượng, nâng tầm quy mô.
Ngay sau kỳ nghỉ lễ 2-9, TP.HCM còn đón một lượng khách lớn là các nhà mua hàng quốc tế cũng như truyền thông, báo chí nhiều nước đến tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2024. Sự cộng hưởng của sự kiện lớn này đã giúp điểm đến TP.HCM tạo được sức hút trong du khách quốc tế tăng 3,2% với 38.800 lượt.
Nhiều điểm đến thu nghìn tỉ
Du lịch ở phía Bắc cũng ghi nhận thắng lợi trong dịp lễ vừa qua. Dù giá vé máy bay vẫn neo cao, nhưng thay vì đến các điểm du lịch xa, nhiều người dân đã lựa chọn các điểm đến gần bằng xe cá nhân.
Tại miền Bắc, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sa Pa (Lào Cai), Hải Phòng là những địa phương ghi nhận lượng khách đông. Trong đó, Hà Nội và Quảng Ninh gia nhập “câu lạc bộ” có doanh thu du lịch trên 1.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội trong thời gian nghỉ lễ ước đạt hơn 672.000 lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đón hơn 57.000 lượt, tăng 35,8%.
Các thị trường hàng đầu trong dịp nghỉ lễ này bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Mỹ, Anh. Năm nay, khách du lịch chọn nghỉ dưỡng, du lịch tại các khu, điểm du lịch xung quanh ngoại thành Hà Nội có xu hướng tăng đột biến. Theo đó, Hà Nội thu về hơn 2.180 tỉ đồng từ hoạt động du lịch.
Điểm nóng du lịch thứ hai của miền Bắc là Quảng Ninh với doanh thu 1.033 tỉ đồng, tổng lượng khách ước đón trên 455.000 lượt khách. Riêng ngày 2-9, lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch của tỉnh đạt 95.000 lượt, thu về 219 tỉ đồng.
Bên cạnh các điểm đến biển đảo, kỳ nghỉ lễ 2-9 cũng là thời điểm bắt đầu mùa vàng ở các tỉnh Tây Bắc, trong đó Sa Pa là điểm đến được đông đảo du khách lựa chọn.
Bà Hoàng Thị Vượng, trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa, cho biết trong dịp nghỉ lễ 2-9 địa phương đã tổ chức Lễ hội mùa thu Sa Pa với nhiều sự kiện hấp dẫn. Đây cũng là thời điểm mùa lúa ở Sa Pa nên điểm đến này càng trở nên hấp dẫn trong mắt du khách.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, Sa Pa đã phục vụ hơn 120.000 lượt khách (tăng trên 34.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023). Doanh thu du lịch đạt gần 420 tỉ đồng. Tỉ lệ đặt phòng cho kỳ nghỉ lễ 2-9 đạt khoảng 98% đối với các phân khúc từ 2 sao trở lên, các phân khúc còn lại khoảng 82%. Riêng các cơ sở homestay tại những xã có ruộng bậc thang đạt 100%.
Còn đối với Ninh Bình – một trong những điểm ghé thăm của đoàn 4.500 nhân viên của tỉ phú Ấn Độ, du lịch cũng có mức độ tăng trưởng thuộc tốp cao toàn quốc. Toàn tỉnh ước đón 374.000 khách, doanh thu ước đạt 650 tỉ đồng. Để đạt được kết quả này, Ninh Bình đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu du lịch như Lễ hội văn hóa ẩm thực Tam Cốc, chương trình văn nghệ hằng đêm tại khu phố cổ Hoa Lư, khai thác điểm du lịch mới chùa Vàng…
* Thanh Hóa: Trong 4 ngày nghỉ lễ 2-9, các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón 395.700 lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
* Bình Thuận: Lượng khách tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh khoảng 385.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 9.700 lượt; doanh thu khoảng 510 tỉ đồng.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.