Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hoàng Xuyên – chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy – cho biết:
Dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình suy giảm về kinh tế toàn cầu với đứt gãy hàng loạt chuỗi cung ứng, nhưng kinh tế – xã hội của thành phố vẫn có bước tăng trưởng khá: tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 113,44%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 127,32%; phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể đạt 620% và thu ngân sách nhà nước đạt 102,97% so với kế hoạch.
Thành phố đã mời gọi được 26 dự án của các nhà đầu tư, trong đó có 10 dự án đang triển khai thực hiện. Đặc biệt, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch có nhiều khởi sắc (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu thương mại, dịch vụ đạt 114,62% kế hoạch.
Riêng lĩnh vực du lịch, thành phố đã thành lập câu lạc bộ “Cà phê du lịch Ngã Bảy”; hoàn thành ấn phẩm quảng bá du lịch và bổ sung check mã QR với các nội dung về tiểu sử hình thành các doi và nhánh sông để phục vụ khách du lịch, các công ty du lịch lữ hành nội địa kết nối Ngã Bảy vào tour du lịch tuyến để đưa khách đến tham quan.
Phát triển thế mạnh du lịch gắn với “Tình anh bán chiếu”
* Du lịch là một thế mạnh của địa phương, lĩnh vực này gần đây phát triển thế nào thưa ông?
– Tiềm năng lợi thế phát triển du lịch của thành phố rất lớn như chợ nổi Ngã Bảy, bảy nhánh sông hội tụ như hình một ngôi sao – nơi ra đời bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”, các điểm du lịch sinh thái vườn trái cây, khu di tích lịch sử cấp quốc gia “Uỷ ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ”, làng nghề truyền thống đan đác cần xé, sự tích kỳ bí của ngôi chùa “độc tự nhất sư – Già Lam Cổ Tự”, đình thần Phụng Hiệp…
Hiện nay, thành phố đã hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Ngã Bảy, hướng đến thời gian tới sẽ thu hút được nhiều du khách hơn.
UBND thành phố Ngã Bảy chỉ đạo với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan và xã, phường phối hợp các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn phát triển kinh doanh dịch vụ đạt được nhiều kết quả tích cực như loại hình du lịch sinh thái tại các nhà vườn thu hút nhiều khách du lịch; người dân ủng hộ cho công tác phát triển du lịch ngày càng được nâng lên, nhiều hộ dân tích cực tham gia mở điểm du lịch.
Trong sáu tháng đầu năm 2024, tổng số lượt khách tham quan là 27.219 lượt, tăng 34.2% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 14.153 tỉ đồng, tăng 438% so với cùng kỳ năm trước.
* Thành phố đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với phát triển du lịch”. Thời gian tới thành phố có những giải pháp gì để phát triển chợ nổi Ngã Bảy gắn liền với bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”?
– Thành phố đầu tư hơn 35 tỉ đồng từ nguồn ngân sách để xây dựng công trình cầu tàu, bờ kè, các tàu mô hình tại điểm phục hồi chợ nổi Ngã Bảy, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Hiện tại, cơ bản cầu tàu đang phát huy được chức năng hoạt động là điểm tập kết phục vụ du khách đến tham quan Ngã Bảy. Từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp đón tại và phục vụ tại cầu tàu chợ nổi hơn 426 đoàn với 12.790 lượt khách du lịch trong và ngoài nước tham quan.
Thành phố đã kiến nghị UBND tỉnh Hậu Giang và cùng với ngân sách thành phố dự kiến xây dựng chợ đầu mối nông sản tại cầu tàu Chợ Nổi, quy hoạch điểm đậu ghe, tàu; vận động, hỗ trợ người dân kinh doanh trên các phương tiện ghe, xuồng tập trung tạo thành điểm quy tụ mua bán trên sông; xây dựng mô hình“Kinh doanh trên sông – không đánh thuế”; mời gọi các công ty du lịch đầu tư 15 chiếc ghe bầu.
Ngoài ra, vận động vườn dâu Thiên Ân, vườn dâu Phương Nghi, vườn dâu và sầu riêng Kim Ngân đầu tư ghe chở khách ngang sông từ Cầu Tàu qua vườn dâu; đề xuất tỉnh hỗ trợ một chiếc tàu du lịch tại chợ nổi để phục vụ du khách.
Về phát triển chợ nổi Ngã Bảy gắn liền với bài vọng cổ “tình anh bán chiếu” nổi tiếng cả trong và ngoài nước, thành phố tạo nhiều điểm sinh hoạt với sáu câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động thường xuyên với hát bài “Tình anh bán chiếu” tại chợ nổi.
Trong ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tư diễn ra ngày 28 và 29-6 chúng tôi tổ chức chương trình văn nghệ với hoạt cảnh “Tình anh bán chiếu”; tạo mô hình check-in 2,5D anh bán chiếu và cô gái (mô hình khoét mặt cho khách đứng vào chụp ảnh).
* Các chuyên gia cho rằng dù có thế mạnh so với các địa phương khác trong tỉnh nhưng du lịch Ngã Bảy vẫn còn nhiều điểm yếu. hành phố nhận diện việc này thế nào, thưa ông?
– Ngã Bảy hiện tại chưa có điểm du lịch độc đáo để thu hút khách, các sản phẩm du lịch còn ít, không phong phú, đa dạng.
Các vườn trái cây phục vụ khách du lịch (vườn dâu, sầu riêng, vườn chôm chôm, vườn cam) chỉ kéo dài khoảng một tháng rưỡi đến hai tháng theo mùa trái cây, các tháng còn lại bị gián đoạn do hết mùa nên chưa tạo ra được bộ sản phẩm trái cây bốn mùa để thu hút khách du lịch quanh năm.
Về hạ tầng giao thông một số điểm du lịch xe 4 bánh chưa lưu thông được và bị hư hỏng, xuống cấp nhiều; chợ nổi Ngã Bảy có nhiều khó khăn trong việc khôi phục và phát huy do hệ thống đường bộ chưa phát triển rộng, xu hướng người dân vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ nên lượng ghe tàu giảm rất nhiều; nguồn nhân lực các cửa hàng, cơ sở lưu trú chưa có nhiều kỹ năng, kiến thức phục vụ cho ngành dịch vụ, du lịch nhiều phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố còn hạn chế.
Đô thị trẻ đang vươn mình
* Là đô thị có lợi thế là nằm sát bên thành phố Cần Thơ – trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua Ngã Bảy được biết đến với một đô thị trẻ, năng động, nhiều dự án đầu tư. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
– Thành phố Ngã Bảy tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn của doanh nghiệp, tranh thủ nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển mở rộng không gian đô thị.
Đến nay đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng ba dự án gồm: Khu đô thị mới thị xã Ngã Bảy tại phường Ngã Bảy, diện tích 6,917 ha; khu đô thị Nguyễn Huệ, diện tích 14,259 ha và khu dân cư thương mại phường Lái Hiếu, diện tích 2,72 ha.
Còn hai dự án khu đô thị khác đạt tiến độ 80% là khu đô thị mới thị xã Ngã Bảy 2, diện tích 10,39 ha và khu đô thị Trung tâm thành phố Ngã Bảy (Khu D), diện tích 2,12 ha.
Ngoài ra còn 10 dự án đang triển khai và lập thủ tục giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Bên cạnh các dự án khu đô thị, thành phố cũng tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng điểm từ nguồn vốn trung ương và địa phương và đã hoàn thành như: dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn từ thành phố Ngã Bảy đến huyện Châu Thành tỉnh Sóc Trăng; dự án đường tỉnh 927C (đoạn từ quốc lộ đến Nam Sông Hậu), tổng vốn 850 tỉ đồng; kè hồ Xáng thổi với tổng vốn 30 tỉ đồng.
Thành phố cũng đang triển khai các dự án: đường tỉnh 927 (đoạn từ thị trấn Cây Dương đến thành phố Ngã Bảy), tổng vốn 266 tỉ đồng; dự án phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu… Những công trình, dự án trên góp phần cho thành phố nâng chất các tiêu chí của đô thị loại III, phát triển mở rộng không gian đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, đầy đủ các tiện ích công cộng…
* Thành phố đã có sự chuẩn bị gì về mặt thủ tục hành chính, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng kết nối để phục vụ những dự án đang được kêu gọi đầu tư?
– Về thủ tục hành chính, thành phố đang triển khai mô hình “chính quyền thân thiện” giai đoạn 2024-2026 thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc xây dựng chính quyền năng động, trong sạch, phục vụ hướng đến xây dựng và triển khai “chính quyền phục vụ”, từng bước chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ.
Bên cạnh đó, thành phố đã thành lập tổ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư, kinh doanh trên địa bàn; áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0, dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình vào giải quyết thủ tục hành chính.
* Theo kế hoạch, trong hai ngày 28 và 29-6 thành phố sẽ tổ chức ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tư, những dự án mà thành phố kêu gọi đầu tư là gì, thưa ông?
– Thành phố mời gọi đầu tư 15 dự án trên hầu hết các lĩnh vực như khu dân cư; logistics (dự án trung tâm logistics thành phố Ngã Bảy nằm trong cụm công nghiệp Tân Thành diện tích từ 15-20ha); dịch vụ thương mại (dự án siêu thị tại đường Nguyễn Huệ, phường Ngã Bảy); giáo dục (dự án đầu tư giáo dục diện tích 1,3ha trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Ngã Bảy); y tế (dự án đầu tư y tế diện tích 6ha trên đường 3 Tháng 2, phường Hiệp Thành) và dự án chợ đầu mối nông sản và trung tâm sơ chế, phân loại nông sản 2ha tại xã Đại Thành.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh hơn nữa cho các doanh nghiệp, nhất là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà; đồng thời chủ động phối hợp với sở, ban ngành tỉnh tháo gỡ kịp thời, hiệu quả những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp kiến nghị liên quan thành lập doanh nghiệp, đầu tư, giải phóng mặt bằng khi đầu tư vào thành phố.
Về nguồn nhân lực, từ năm 2021 Thành ủy Ngã Bảy đã ban hành nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, tận tụy phục vụ nhân dân, giai đoạn 2021-2025. Hiện cán bộ công chức thành phố có 126 người đều đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn quy định đối với từng ngạch, từng chức danh.
Tỉ lệ lao động qua đào tạo toàn thành phố hiện nay đạt tỉ lệ 84%. Trên địa bàn thành phố có Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Hậu Giang cơ sở 3, một Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Thành phố nằm trên trục quốc lộ 1 điểm giữa thành phố Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ gần Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Võ Trường Toản, đây cũng là điều kiện thuận lợi đáp ứng nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư đầu tư trên địa bàn thành phố trong tương lai.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.