Nhu cầu đi du lịch đã thay đổi
Mới đây theo thống kê của Cục Du lịch Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Malaisia, Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức…
Sự tăng trưởng này cho thấy hiệu quả tác động rõ rệt từ chính sách Luật sửa đổi 07 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), cụ thể là nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; Mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ, nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực.
Tuy nhiên nhiều ý kiến doanh nghiệp lữ hành lại cho biết, hai tháng đầu năm lượng khách tăng là thế nhưng các doanh nghiệp lữ hành vẫn vắng khách, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn vì số lượng khách đặt tour quá ít.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc công ty du lịch AZA Travel cho biết: “Một trong những nguyên nhân sau dẫn tới việc số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn vắng khách bởi, thị trường inbound sau dịch đã có sự thay đổi rất lớn từ các công ty lữ hành.
Tôi ví dụ trước dịch nhiều công ty đã có lượng khách quốc tế thị trường châu Âu thế nhưng sau dịch thị trường này lại ít hơn. Hay có công ty, trước dịch thị trường khách Nga, Trung Quốc rất đông nhưng sau dịch thì hai thị trường này vướng vào xung đột chiến tranh và suy thoái kinh tế vì vậy mà đã vắng khách nhưng bù lại, thị trường khách Ấn Độ lại tăng trưởng.
Nguyên nhân thứ nữa là xu hướng của khách đi du lịch sau dịch muốn đi tự do, sợ đi theo đoàn đông và không muốn bó buộc với chương trình nên đã không chọn mua tour từ các công ty lữ hành, chỉ đến khi đến Việt Nam, Sài Gòn hay Hà Nội, họ mới đặt tour đi Hạ Long, Ninh Bình, Hà Giang… và ghép với những du khách đến từ nhiều thị trường quốc tế khác. Đây đang là xu hướng phổ biến khiến cho thị phần của doanh nghiệp lữ hành bị giảm. Ngay như công ty của chúng tôi, thị trường inbound cũng giảm đến trên 50% lượng khách”.
Ông Võ Việt Hòa – Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho hay, thống kê từ Cục du lịch Quốc gia Việt Nam, số lượng khách quốc tế tăng, đó là con số thực tế và là tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch, thế nhưng, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn “đói khách” bởi phân tích chi tiết thì tỷ lệ khách du lịch thuần túy không cao.
Theo thống kê, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng nhưng doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều lợi nhuận do không cung cấp được các dịch vụ trọn gói. Ví dụ Saigontourist chỉ cho thuê xe là dịch vụ “xương xẩu”. Báo chí Việt Nam và quốc tế thường xuyên nói về khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng cao trong 2023 và đầu năm 2024 nhưng doanh nghiệp Việt chưa hưởng lợi.
Trong khi với các tour outbound lại đang rất sôi động, lượng khách nội địa mua tour đi du lịch nước ngoài ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á tăng mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Singapore…
Đồng tình với quan điểm của ông Võ Việt Hòa, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho biết, số du khách tăng nhưng khách đi tour không tăng nhiều, mặc dù chúng ta có đầy đủ điều kiện về tài nguyên thiên nhiên, môi trường cùng các yếu tố thuận lợi khác để phát triển du lịch.
Đặt câu hỏi, làm sao để tăng trưởng khách nước ngoài? Làm sao đón nhiều du khách mà chi phí thấp nhất? Đây là 2 vấn đề cơ bản của ngành kinh tế du lịch. Ông Vũ Thế Bình nói về giải pháp: “Muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, phải có chính sách thích hợp. Phải có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia, các tỉnh thành dành kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược đó thu hút khách quốc tế”.
Du lịch Việt Nam cần xúc tiến, quảng bá, tìm kiếm thị trường và tăng các sản phẩm du lịch độc đáo
Chia sẻ với Dân Việt, ông Phùng Quang cho biết: “Theo tôi, nguyên nhân là do du khách đang phân bổ không đều về các địa phương, điều này có thể là do nhu cầu của khách, hai là do nhu cầu thị trường. Đặc biệt là công suất số lượng phòng lớn đang nằm ở thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh…
Lý do thứ hai, cơ cấu du khách đang có sự thay đổi, bởi thời gian qua việc giao lưu, phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ nhiều hơn. Vì vậy khách thương mại, khách đầu tư đến Việt Nam để kinh doanh, hợp tác, làm việc tăng hơn so với khách du lịch thuần túy và họ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, nơi có những dự án đầu tư lớn.
Cũng vì thế mà các địa phương là những địa điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa)… vắng khách hơn, đây là một thực tế đang diễn ra.
Lý do tiếp theo, thị trường khách không như những năm trước đó, tất cả đều đã có sự thay đổi, từ sản phẩm du lịch, điểm đến phải có sự thay đổi. Đặc biệt trong lúc bối cảnh khách quan, trên thế giới có nhiều bất ổn, xung đột chiến tranh, lạm phát, kinh tế khó khăn… dẫn đến ảnh hưởng tới nhu cầu đi du lịch, tới lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Và như vậy thì vai trò xúc tiến du lịch rất quan trọng. Tức là chúng ta phải nhận định được vai trò xúc tiến và lấp chỗ trống lượng khách du lịch kia.
Nguyên nhân tiếp nữa, các điểm đến địa phương không nên quá tự tin nghĩ rằng, địa phương mình đang là điểm đến nổi tiếng, có nhiều tiềm năng, du khách sẽ tự tìm đến. Đó là suy nghĩ sai lầm, bởi xu hướng của du khách bị tác động, bối cảnh khách quan nên đã không chọn đi du lịch ở điểm đến đó.
Ngoài ra, sản phẩm địa phương cũng là lý do để thu hút du khách. Vậy thì các sản phẩm địa phương cần làm mới, đa dạng và phong phú hơn, đặc biệt bây giờ Việt Nam đang hướng tới du lịch xanh, du lịch bền vững, vậy nên sản phẩm du lịch tại địa phương cần tập trung và có quy hoạch, chiến lược để phát triển chuyên nghiệp hơn”.
Phân tích ở góc độ là cơ quan Nhà nước, ông Nguyễn Quý Phương – Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: “Khi xác định phát triển du lịch, vấn đề đặt ra là hiệu quả của du lịch thể hiện ở doanh thu, số khách và lượng khách quay trở lại. Hiện nay, khách quốc tế không chỉ đi du lịch thuần túy mà khách kinh doanh cũng nhiều và đều ở khách sạn.
Qua nghiên cứu chi tiêu cho thấy chi tiêu hiện nay của khách chỉ ở mức độ cơ bản, ăn ở, đi lại… do đó, cần phát triển thêm sản phẩm, du lịch để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Chúng tôi đang liên kết với ngành nông nghiệp, công thương để tăng chi tiêu, mua sắm, sẽ đem lại chi tiêu lớn. Để đạt hiệu quả về doanh thu, tất cả các ngành cần tạo sản phẩm để thu hút, kích thích nhu cầu chi tiêu của khách”.
Phân tích thêm, ông Nguyễn Quý Phương cho hay, để thu hút lượng quốc tế tăng và quay trở lại, cũng như từ đó mới tăng mức chi tiêu của du khách thì trước tiên cần xác định thị trường để từ đó đẩy mạnh quảng bá, hợp tác giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành để tăng cường công tác truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội.
Năm 2024, Thái Lan đặt mục tiêu đạt doanh thu từ du lịch là 3.500 tỷ Baht, dự kiến doanh thu từ khách du lịch trong nước là 1.000 tỷ Baht (khoảng 28,5 tỷ USD) và từ du khách quốc tế là 2.500 tỷ Baht (khoảng 71,5 tỷ USD).
Thái Lan đã và đang triển khai chiến dịch quảng bá Thái Lan như một điểm đến tuyệt vời trong suốt cả năm. Chiến dịch này sẽ tập trung quảng bá những điểm đến du lịch ít được biết đến, kết hợp cùng với những địa điểm nổi tiếng đối với du khách.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.